Văn bản luật VN hầu hết không có định nghĩa các khái niệm, thuật ngữ được dùng trong văn bản. Điều này dẫn tới một khái niệm có thể được hiểu, giải thích theo nhiều cách khác nhau gây tranh cãi và dẫn đến sự tùy tiện trong việc thực thi pháp luật.
Không có khái niệm niêm yết giá là một ví dụ như vậy. Hiểu đơn giản thì niêm yết giá là ghi giá. Theo cái lý của người Mèo thì đã gọi là ghi giá thì ghi lên bảng giá hay ghi trong hợp đồng hay ghi vào đâu cũng vậy cả thôi. Và đây chính là lý do mà bạn cần phải cẩn thận vì bạn sẽ cãi không lại được với nhà chức trách nếu bị bắt lỗi ghi giá ngoại tệ trong hợp đồng dù luật không nói rõ ràng là như vậy.
Tôi hiểu nhu cầu của bạn tại sao cần ghi giá ngoại tệ. Làm hàng nhập khẩu mà không thể hiện được giá bằng ngoại tệ và tỉ giá trên hợp đồng thì chẳng mấy chốc mà sập tiệm. Nhưng phải ghi như thế nào thì mới không phạm luật? Xin mách bạn một chiêu dĩ độc trị độc như sau:
- Trước hết trong phần giá cả ghi rõ giá bán bằng VND (ghi xong giá bán VND là có thể yên tâm không ai bắt bẻ được bạn nữa vì rõ ràng đó là niêm yết giá bằng VND)
- Sau đó bên dưới ghi thêm điều khoản minh định rằng giá bán bằng VND nói trên được tính toán từ giá hàng nhập khẩu (“giá cơ sở”) là xxx USD, quy đổi theo tỉ giá 1 USD= xxxVND của ngân hàng tham chiếu tại thời điểm kí hợp đồng
- Có điều khoản quy định rằng trường hợp sau khi kí hợp đồng mà tỉ giá USD/VND thay đổi thì giá trị thanh toán thực tế sẽ được điều chỉnh tương ứng từ giá cơ sở theo tỉ giá tại thời điểm thanh toán
Còn bạn nào đó nói trước đây đã ký hợp đồng bằng USD mà nay hợp đồng vẫn còn hiệu lực thì nên tiểu nhân phòng bị gậy bằng cách làm lại hợp đồng hoặc lập 1 phụ lục hợp đồng ghi giá theo chiêu thức như trên cho an tâm.