Trường hợp 1: Nhãn hiệu trên sản phẩm của Công ty X chưa được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ.
Theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam phải ghi nhãn hàng hóa để người tiêu thụ có thể xác định được: tên hàng hóa; tên, địa chỉ của cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm; xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, căn cứ khoản 4 Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa:
“Điều 9. Công đoạn gia công, chế biến đơn giản
Công đoạn gia công, chế biến sau đây khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ:
…
3. Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.
4. Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự. […]”
Do đó, việc Nhà hàng anh gắn logo của Nhà hàng anh lên sản phẩm của Công ty X được xem là công đoạn gia công, chế biến đơn giản và không xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của công ty X (vì sản phẩm công ty X không đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc đã hết thời hạn bảo hộ). Tuy nhiên, khi nhà hàng anh gắn logo lên sản phẩm của công ty X thì vẫn phải để nguyên tem nguồn gốc sản xuất trực thuộc bên X.
Trường hợp 2: Nhãn hiệu của Công ty X đã được bảo hộ.
Nếu nhãn hiệu của công ty X đã được bảo hộ thì việc gắn nhãn hiệu của Nhà hàng anh lên sản phẩm phải được sự đồng ý của Công ty X. Việc gắn nhãn hiệu mà không được sự cho phép của Công ty X thì được coi làm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với nhãn hiệu của công ty X.