Chào bạn!
Theo quy định tại Điều 165 BLTTDS năm 2004 và hướng dẫn tại mục 5 phần I Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP thì “khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án yêu cầu giải quyết ly hôn (có đăng ký kết hôn hợp pháp), nuôi con, chia tài sản, thì về nguyên tắc người khởi kiện phải gửi kèm theo đầy đủ các tài liệu, chứng cứ về quan hệ hôn nhân, con, tài sản chung của vợ chồng; nếu họ chưa có thể gửi đầy đủ các tài liệu, chứng cứ này, thì cùng với đơn khởi kiện họ phải gửi bản sao giấy đăng ký kết hôn, bản sao giấy khai sinh của con (nếu có tranh chấp về nuôi con).”
Theo đó thì các giấy tờ mà bạn phải gửi đến Tòa án kèm theo đơn xin ly hôn là:
- CMND của vợ, chồng (bản sao có công chứng);
- Bản sao giấy đăng ký kết hôn (bản sao có công chứng);
- Bản sao giấy khai sinh của con chung (bản sao có công chứng);
- Giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu tài sản (trong trường hợp có yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng).
Về câu hỏi bạn có được quyền nuôi con hay không thì theo quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì:
“1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.”
Theo đó, sau khi ly hôn vợ chồng bạn vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên (6 tuổi), vợ chồng bạn có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Vì con bạn mới 6 tuổi nên chưa thể xem xét nguyện vọng của con, nhưng nếu bạn chứng minh được mình có khả năng trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con tốt hơn là con ở với vợ thì quyền trực tiếp nuôi con có thể sẽ thuộc về bạn. Nếu quyền nuôi con thuộc về bạn thì vợ bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi con 18 tuổi.
Trân trọng!
Luật sư-Thạc sỹ luật học Phạm Thành Tài
- Giám đốc Công ty luật Phạm Danh – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
ĐC: Tầng 1, Nhà C, Đền Lừ 1, quận Hoàng Mai, HN.
ĐT: 04.36342301/0913378662 - 0904883477
Email: pttailawyer@yahoo.com/luatphamdanh@gmail.com
Web: http://luatphamdanh.net/luatsuhonnhan.com