Theo quan điểm của mình thì tại Điều 60 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
"Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết."
Theo thông tin anh nêu thì người đứng tên vay tiền theo hợp đồng tín dụng (bên vay) là vợ chồng anh, tài sản bảo đảm là của ba mẹ vợ anh, điều đó có nghĩa là ba mẹ vợ anh là bên bảo lãnh cho khoản vay này. Khi ly hôn thì vợ chồng anh vẫn có nghĩa vụ phải thanh toán nợ cho ngân hàng căn cứ quy định trên.
Nếu vợ chồng anh không thanh toán nợ đến hạn thì ngân hàng có quyền khởi kiện vợ chồng anh hoặc khởi kiện ba mẹ vợ anh để thu hồi nợ (thường thì sẽ khởi kiện bên bảo lãnh có tài sản bảo đảm là ba mẹ vợ anh). Nếu Tòa án kiện ba mẹ vợ anh, xử lý tài sản bảo đảm của ba mẹ vợ anh để thu hồi nợ thì ba mẹ vợ anh vẫn có quyền khởi kiện vợ chồng anh để yêu cầu thanh toán khoản nợ mà ba mẹ vợ anh đã thanh toán cho ngân hàng thay cho vợ chồng anh.
Khi đó, anh có thể có yêu cầu phản tố vì khoản vay đó là vợ chồng anh vay dùm và đã giao cho ba mẹ vợ anh (nếu anh có chứng cứ chứng minh). Hoặc anh thanh toán nợ cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng và khởi kiện ba mẹ vợ anh để yêu cầu trả nợ cho vợ chồng anh nếu có chứng cứ chứng minh số tiền vợ chồng anh vay ngân hàng đã giao cho ba mẹ vợ anh.