Thưa bạn, vấn đề của bạn, xin được giải đáp như sau:
Về mặt đạo đức, xã hội, kể cả là con nuôi hay con đẻ thì nghĩa vụ đối với cha mẹ cũng đều giống như nhau, chính vì vậy cháu nuôi cũng sẽ có nghĩa vụ như cháu ruột. (Không kể những trường hợp cá biệt do lối sống riêng của từng gia đình)
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, cơ bản thì người cháu nuôi và ông bà không có quan hệ huyết thống.
Các vấn đề pháp lý phát sinh từ quan hệ giữa cháu nuôi và ông bà sẽ được điều chỉnh bởi những quy phạm khác nhau, tuy nhiên mình sẽ đưa ra hai quan hệ pháp luật thường gặp nhất:
Về việc thừa kế theo pháp luật:
Trong các thành viên gia đình được xếp vào hàng thừa kế thứ 2 theo Điểm b Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
'Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;"
Về quan hệ hôn nhân:
Điểm d Khoản 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định cấm hành vi:
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
Cũng tại luật này, Khoản 17, 18 Điều 3 giải thích:
- "Những người cùng dòng máu về trực hệ" là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
- "Những người có họ trong phạm vi ba đời" là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Như vậy có thể thấy, việc kết hôn chỉ bị hạn chế đối với những đối tượng cùng huyết thống,vậy nên con của con nuôi (cháu nuôi) sẽ không bị cấm kết hôn với những người trong gia đình của ông, bà.