Chào bạn!
Trường hợp này cần dựa vào kết luận của cơ quan điều tra để xác định tội danh của người lái xe gây tai nạn cho em trai của bạn.
Do tai nạn giao thông có người chết nên bạn cần căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường và kết luận điều tra vụ tai nạn để xác đinh yếu tố lỗi của người gây ra tai nạn dẫn đến việc em trai của bạn qua đời. Việc này bạn có thể làm đơn trình báo vụ việc với cơ quan công an cấp huyện đề nghị họ làm rõ. Việc ra tòa hay không ra tòa để chịu tội theo quy định của BLHS của người lái xe gây tai nạn hoàn toàn phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra.
Theo Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì: Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự: Làm chết một người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên...
Như vậy, trường hợp của bạn, hành vi của người gây tai nạn đã đủ cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự thì tội phạm này không thuộc nhóm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Vì vậy gia đình bạn (người bị hại) không cần phải làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố người gây tai nạn. Trách nhiệm khởi tố vụ án thuộc về cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, nếu thấy việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can bị kéo dài thì bạn (bên người bị hại) hoàn toàn có quyền làm đơn gửi cơ quan điều tra, viện kiểm sát yêu cầu sớm giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Khi ra Tòa, Tòa án sẽ xác định trách nhiệm hình sự (Tội danh và mức hình phạt) cũng như trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại) của người đã gây ra tai nạn cho em trai của bạn.
Về mức bồi thường thiệt hai thì bạn có thể tham khảo theo quy định của BLDS :
Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. (1 tháng lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước hiện nay là 1.050.000 đồng)
Trường hợp này, dù người lái xe gây tai nạn có bị khởi tố hay không khởi tố thì cũng phải bồi thường thiệt hai cho gia đình bạn. Nếu bạn không đồng ý với mức bồi thường thiệt hại của họ thì bạn có thể làm đơn khởi kiện dân sự về bồi thường thiệt hại gửi đến Tòa án nhân dân huyện.
Xin có lời chia buồn với gia đình bạn và chúc bạn sớm giải quyết được vấn đề của mình!
Cập nhật bởi Ls.NguyenHuyLong ngày 03/01/2014 10:01:55 SA
Để được tư vấn chi tiết xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH VILOB NAM LONG chuyên:
- Tư vấn doanh nghiệp
- Tư vấn sở hữu trí tuệ
- Tư vấn đầu tư
Website: www.nllaw.vn
Địa chỉ : Tầng 11, Tòa B, Vinaconex Building, Số 57 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 02432 060 333
Hotline: 0914 66 86 85 hoặc 0989.888.227
Email: namlonglaw@gmail.com