Bút ký hội thẩm
Vụ án nghiêm trọng và bản án treo
TT - Trong quá trình làm hội thẩm nhân dân, có một vụ án tôi luôn nhớ đến, đó là vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Đề Thám (Q.1, TP.HCM) vào đêm 21-3-2005.
Theo cáo trạng, vụ án bắt nguồn từ việc Đỗ Quang Toàn chạy xe máy vượt đèn đỏ tại ngã tư trên và bị cảnh sát giao thông (CSGT) thổi phạt. Toàn không chấp hành yêu cầu của CSGT, kéo ngã xe, giật đứt bảng tên của một chiến sĩ CSGT và la lên “công an đánh người”.
Nhiều người đi đường do hiếu kỳ đã dừng lại xem. Một số phần tử quá khích đã hùa theo đập phá, đốt xe công an, ném đá vào trụ sở Đội CSGT số 1 (đường Nguyễn Khắc Nhu, Q.1)... gây náo loạn.
Đến gần 5g sáng hôm sau lực lượng chức năng mới giải tán được đám đông. Hai chiếc ôtô đặc chủng của lực lượng công an có giá trị hơn 200 triệu đồng và nhiều trang thiết bị khác bị phá hủy. Tổng cộng bảy người liên quan đến vụ việc bị bắt.
Chỉ thị: phải xử nghiêm
#ff0000;">Vụ án được xác định là đặc biệt nghiêm trọng, lại xảy ra vào thời điểm trước dịp lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30-4 và Ngày quốc tế lao động 1-5 nên chúng tôi nhận được chỉ đạo: phải đưa ra xét xử trước lễ 30-4 và phải xử thật nghiêm khắc để răn đe.
Một tháng sau, ngày 22-4, vụ án được TAND Q.1 xét xử lưu động tại Trung tâm hưu trí Q.1 (đường Nguyễn Đình Chiểu). Hai kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (những vụ án khác thông thường chỉ có một kiểm sát viên).
Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm ba người: một vị nữ thẩm phán làm chủ tọa, một hội thẩm nhân dân trước đây công tác trong ngành giáo dục và tôi. Phiên tòa này còn có sự tham gia, theo dõi của hầu hết lãnh đạo các cơ quan tố tụng của Q.1 cũng như của thành phố.
Đọc hồ sơ vụ án, tôi nhận thấy bảy bị cáo không hề có sự chuẩn bị, bàn bạc từ trước mà chỉ là hành động tự phát, quá khích. Do vậy, tôi cho rằng đây chỉ là một vụ án do sự quá khích của một số người chứ không liên quan đến chính trị.
Trong số các bị cáo có Đ. là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học, nhân thân rất tốt, kết quả học tập tốt. Đ. không trực tiếp thực hiện việc gây rối, đập phá mà chỉ tham gia vào vụ án một cách thụ động do sự lôi kéo của bị cáo khác. Tôi nghĩ nếu thật sự như vậy, Đ. hoàn toàn có thể được hưởng mức án treo để tiếp tục việc học. Do vậy, tôi quyết định sẽ làm rõ thêm các tình tiết liên quan tại phiên tòa.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo H.A. và Đ. cùng khai nhận chính H.A. là người yêu cầu Đ. chở đi mua xăng. Lúc đó Đ. không đồng ý và can ngăn. Tuy nhiên, H.A. nói rằng mình làm mình chịu, không liên quan gì đến Đ. nên Đ. mới chịu chở đi.
Đại diện viện kiểm sát đã đề nghị tuyên phạt Đ. mức án từ 2-3 năm tù, H.A. từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù (do chưa thành niên). Năm bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 4-6 năm tù.
Giáo dục ngoài đời vẫn hơn
Vào nghị án, tôi đưa ra quan điểm nên cho bị cáo Đ. được hưởng án treo. Ban đầu không ai trong HĐXX đồng ý vì cho rằng đây là án điểm, được xử lưu động, nếu cho Đ. hưởng án treo sẽ không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung. Tôi phân tích mức án dành cho Đ. không quá 3 năm tù, bị cáo phạm tội do nông nổi, bị lôi kéo. Cạnh đó, Đ. có nhân thân tốt và đang là sinh viên đại học nên không cần cách ly ra khỏi xã hội vẫn có thể giáo dục, cải tạo được.
Sau một lúc suy nghĩ, vị hội thẩm kia đã đồng tình với quan điểm của tôi. Và tôi cũng chỉ cần có thế. Bởi HĐXX quyết định theo đa số, tôi với vị hội thẩm kia là hai ý kiến là đa số rồi.
Hơn 18g mới tuyên án nhưng hội trường vẫn chật cứng người tham dự. Năm bị cáo lần lượt nhận mức án từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù. H.A. nhận mức án 1 năm 6 tháng tù.
Riêng Đ., vị chủ tọa để dành tuyên cuối cùng.
Cả Đ. lẫn mẹ của Đ. đều nghĩ rằng Đ. sẽ phải vào tù, nên khi nghe HĐXX tuyên phạt 2 năm tù và cho hưởng án treo, Đ. đã quỳ xuống trước vành móng ngựa, hai tay chắp lại, lạy lia lịa HĐXX, rồi quay ra lạy bốn phía. Cũng xúc động như Đ., mẹ của Đ. chỉ kịp hét to một tiếng rồi ngã ra ngất xỉu.
Nhiều người tham dự phiên tòa đã đồng loạt vỗ tay hoan hô cứ như nơi đây chưa hề có giây phút nghiêm trang, lặng ngắt trước đó.
Quay sang nhìn hai hội thẩm, vị nữ thẩm phán cười nói: “Các thầy vẫn là người thương học trò”. Tôi đáp lại: “Giáo dục trong trường đại học vẫn tốt hơn giáo dục trong tù chứ chị”.
Bản án này chứng tỏ sự thuyết phục vì đã không bị kháng cáo, kháng nghị.
TS NGUYỄN DUY HƯNG
(nguyên trưởng bộ môn tố tụng hình sự ĐH Luật TP.HCM, Hội thẩm nhân dân Q.1, TP.HCM) kể
DŨNG MINH ghi
Cái đoạn màu đỏ !?
Đành rằng biết là khi xét xử thì nhiều khi vẫn nhận được sự chỉ đạo ngầm nào đó từ nhiều phía, nhưng mà không ai nói ra thì cũng chả ai biết là có sự vi phạm pháp luật xảy ra. Đằng này vị hội thẩm này vừa là tiến sỹ, lại từng là nguyên trưởng bộ môn TTHS của ĐH Luật TPHCM mà lại phát biểu như thế (nhận được sự chỉ đạo và tất nhiên là làm theo chỉ đạo), hóa ra Điều 130 Hiến pháp, Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 5 Luật Tổ chức tòa án, Điều 3 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Và Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà” là để cho có à !?
Với luật sư, nói phải có căn cứ, có lý, có tình thì hãng nói. Nói chung chung, nói vu vơ, nói tránh đụng chạm thì tốt nhất là đừng nói.
Làm thì làm làm dứt khoát, làm cẩn thận. Làm mà sợ đầu sợ đuôi, làm không đến đầu đến đũa thì tốt nhất là đừng làm.
Còn luật sư mà nghĩ cái này, nói cái kia; nói một đằng, làm một nẻo thì tốt nhất là nên về quê chăn vịt.
Vinh Quang l Trợ lý Luật sư - CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM (www.luatvietkim.com)
M: 0934.666.282 - E: vinhquang@luatvietkim.com - Ad: P1705 - Đ3, 15 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.