Bản tổng kết của Tòa án nhân dân tối cao số 329/HS2 ngày 11/5/1967 đề cập đến “khái niệm” giao cấu như sau:
“Giao cấu: chỉ cần có sự cọ sát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không là tội Hiếp dâm được coi là hoàn thành, vì khi đó nhân phẩm danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp”.
Và thực tiễn xét xử án hiếp dâm của nước ta từ trước đến nay sẽ là: Chủ thể của tội hiếp dâm chỉ là nam (trừ trường hợp nữ đồng phạm giúp sức); khách thể của tội hiếp dâm chỉ là nữ.
Liệu quan điểm này có đúng đối với thực tế đời sống hiện nay?
1. Nữ cũng là chủ thể của tội hiếp dâm
Pháp luật hình sự nghiêm trị tội hiếp dâm nhằm đảm bảo nhân phẩm, danh dự của con người. Vì lẽ đó, dù là nam hay nữ thì cũng có nhân phẩm, danh dự cần được pháp luật bảo hộ. Nếu mãi tư duy theo lối mòn cũ – chỉ có nam mới là chủ thể của tội hiếp dâm thì vô hình chung Nhà nước không đảm bảo được nhân phẩm, danh dự cho nam giới hay đúng hơn Nhà nước không công nhận nam giới có nhân phẩm và danh dự.
Mặt khác, nhiều nước trên thế giới vẫn coi nữ là chủ thể của tội hiếp dâm nên chúng ta cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.
2. Nam cũng có thể hiếp dâm nam
Pháp luật Việt Nam hiện hành không công nhận chuyển đổi giới tính, song thực tế vẫn diễn ra sự chuyển đổi giới tính (từ nam sang nữ hay từ nữ sang nam) trái phép, bởi vậy sự không công nhận chuyển đổi giới tính chỉ nằm trên góc độ pháp lý còn thực tiễn giới tính đã được thay đổi (nhu cầu sinh lý của người đó được thay đổi).
Như vậy, sẽ dễ hiểu trường hợp nam hiếp dâm nam trên góc độ pháp lý, còn thực tiễn nam hiếp dâm nữ [bởi khách thể lúc này là nữ thực tế (đã thay đổi về kết cấu sinh học) nhưng pháp lý thì nhà nước không công nhận].
Vậy người nam (góc độ pháp lý) có được bảo hộ nhân phẩm, danh dự hay không? Rõ ràng, hành vi chuyển đối giới tính là sai trái song không phải vì hành vi sai trái đó mà tước đoạt cái quyền mà tạo hóa đã ban cho họ (nhân phẩm và danh dự).
3. Pháp luật Hình sự cần thay đổi như thế nào?
Điều 111 Bộ luật Hình sự 1999 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Nội dung trên có thể hiểu: ”bất cứ người nào (không phân biệt giới tính) mà có hành vi được miêu tả theo quy định nêu trên, có đầy đủ các dấu hiệu khác về mặt chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, Bộ luật Hình sự 1999 không cần sửa đổi về nội dung này mà Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao cần ban hành một Nghị quyết nhằm thống nhất cách xét xử chung toàn quốc – dù nam hay nữ vẫn là chủ thể của tội hiếp dâm.