Câu hỏi:
Công ty có chi phí đầu vào trực tiếp mà nhà cung cấp là doanh nghiệp nước ngoài ở các nước khác nhau (Nhật Bản, Pháp, Mỹ ...) và cần phải thanh toán cho các chi phí này.
Hiện tại, các chi phí này được thanh toán hộ bởi công ty mẹ của tại Singapore, và sẽ cấn trừ lại vào công nợ cuối tháng. Trong trường hợp này cần lưu trữ những loại chứng từ gì để chứng minh chi phí hợp lý? Và doanh nghiệp nước ngoài có bị đánh thuế nhà thầu hay các loại thuế nào khác không?
Trả lời:
Đối với việc này, để chứng minh chi phí hợp lý thì bên thứ 3 (công ty mẹ tại Singapore) thanh toán hộ cho công ty chị, phải mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng và việc thanh toán này phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Thứ hai, việc thanh toán hộ bởi công ty mẹ này chỉ được xem là chi phí hợp lý khi bên công ty chị và nhà cung cấp có thỏa thuận với nhau cụ thể trong hợp đồng bằng văn bản.
Nếu đáp ứng điều kiện trên thì sẽ được xem là chi phí hợp lý. Chị có thể tham khảo thêm Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC.
Trường hợp có chịu thuế nhà thầu hay không thì chị xem các doanh nghiệp nước ngoài này có thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Nếu thuộc vào trường hợp này thì không chịu thuế nhà thầu.
"Điều 2: Đối tượng không áp dụng
...2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức:
- Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).
- Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hóa cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).
Ví dụ 3:
Công ty C ở Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu lô hàng máy xúc, máy ủi với Công ty D ở nước ngoài, việc giao hàng được thực hiện tại cửa khẩu Việt Nam. Công ty D chịu mọi trách nhiệm, chi phí liên quan đến lô hàng cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; Công ty C chịu trách nhiệm, chi phí liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam. Hợp đồng có thỏa thuận lô hàng trên được Công ty D bảo hành trong 1 năm, ngoài ra Công ty D không thực hiện bất kỳ dịch vụ nào khác tại Việt Nam liên quan đến lô hàng trên. Trường hợp này, hoạt động cung cấp hàng hóa của Công ty D thuộc đối tượng không áp dụng của Thông tư.”