Học thi bằng lái ô tô, cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo

Chủ đề   RSS   
  • #617324 10/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 508 lần


    Học thi bằng lái ô tô, cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo

    Học lái xe hoài mà không thi, thi bao đậu - 100% đậu, học ở đâu thi ở đó,...là những dấu hiệu chiêu trò lừa đảo của những  cơ sở “ma”, môi giới lừa đảo học viên học lái xe ô tô.

    (1) Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo khi thi bằng lái ô tô

    Mỗi năm, có hàng ngàn người đăng ký thi bằng lái ô tô, với việc học phí đào tạo và thi bằng lái ô tô không phải là thấp, nhiều cơ sở “ma”, môi giới lừa đảo đã tìm đủ mọi cách, dùng nhiều chiêu trò đánh vào tâm lý để lừa đảo các học viên học lái xe ô tô.

    Sau đây là một số dấu hiệu thường gặp mà các cơ sở này sử dụng để lừa đảo học viên, nếu gặp những trường hợp này, xin hãy cảnh giác:

    1- “Chen khoá thi – thi sớm - bị dời khoá thi”

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, tổng thời gian đào tạo đối với bằng lái B1, B2 là:

    - Bằng B1:

    + Xe số tự động: 204 giờ

    + Xe số cơ khí: 220 giờ

    - Bằng B2: 252 giờ

    Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe sẽ căn cứ các nội dung như khối lượng chương trình, thời gian ôn tập, kiểm tra hết môn, thời gian nghỉ lễ,...để xây dựng tổng thời gian đào tạo. Thông thường, thời gian đào tạo này sẽ kéo dài từ 2,5 đến 03 tháng.

    Như vậy, sẽ không có trường hợp chen khóa thi, thi sớm hay bị dời khóa thi mà sẽ thi đồng bộ, đúng theo kế hoạch của cơ sở đào tạo lái xe. Do đó, nếu bạn nhận được những thông báo như vậy, rất có thể đây là một chiêu trò lừa đảo.

    2- “Thi bao đậu - 100% đậu”

    Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “bao đậu bằng lái ô tô” trên Facebook hoặc Google, bạn sẽ thấy hàng loạt Trung tâm thi bằng lái xe xuất hiện với những lời mời chào hấp dẫn. Nhiều nơi thậm chí còn chạy quảng cáo, tạo tương tác giả và sẵn sàng dạy học viên miễn phí trong vài buổi đầu để chiếm được lòng tin từ “con mồi”.

    Rõ ràng, con số này cho thấy sự phức tạp và không minh bạch trong quảng cáo. Những cơ sở đào tạo lái xe uy tín nhất tại TP.HCM như Hoàng Gia hay Minh Phước cũng chỉ dám công bố tỷ lệ đậu là 85%, điều này đã được coi là rất tốt.

    Thậm chí, nếu thật sự tồn tại những đường dây “bao đậu”, thì điều gì sẽ xảy ra khi học viên có kỹ năng lái xe yếu nhưng vẫn thi đậu và nhận bằng? Họ sẽ đem kỹ năng lái xe đó để đánh cược sự an toàn của bản thân và gia đình khi tham gia giao thông?

    Câu nói “Học tài – thi phận” không chỉ đúng với việc học văn hóa mà còn áp dụng cho khóa học lái xe. Do đó, học viên cần phải cẩn trọng khi lựa chọn cơ sở đào tạo, đặc biệt là những nơi quảng cáo với cam kết “bao đậu - 100% đậu”.

    3- “Học ở đâu, thi ở đó - Học thực hành gần nhà - Đưa đón khắp thành phố”

    Học ở đâu, thi ở đó hay học thực hành gần nhà gần như là không thể xảy ra. Học lái xe phải học trong sân tập chuẩn, mà sân tập cần diện tích rộng mới đủ 10 bài sa hình, do đó việc đầu tư một sân tập trong khu vực nội thành là không hợp lý, gần như là bất khả thi.

    Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 61 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề, phải có đủ điều kiện về lớp học, sân tập lái, xe tập lái, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án và phải được giấy cấp phép theo quy định.

    Tại TP.HCM hiện nay chỉ có một vài sân sát hạch đủ tiêu chuẩn như sân tại Củ Chi, Bình Chánh, Q12, huyện Nhà Bè, Thủ Đức. Và rõ ràng, số lượng sân này không quá nhiều để đáp ứng việc “học ở đâu - thi ở đó”

    Về việc “đưa đón khắp thành phố”, tính trên mặt kinh tế, giá taxi hiện nay cũng khoảng 10.000/km, nếu chặng đường đưa đón chỉ cần 15km thì đã mất tới 600.000VNĐ/buổi (1 lượt chạy xuống đón – 1 lượt về sân- 1 lượt trả về - 1 lượt quay lại sân), rồi ai sẽ bỏ chi phí này, hiển nhiên là không phải người giáo viên…Do đó, đây cũng là một dấu hiệu để nhận biết lừa đảo.

    Tổng kết lại, học viên cần phải tỉnh táo và cẩn trọng khi lựa chọn cơ sở đào tạo, đặc biệt là những nơi có những cam kết không thực tế nêu trên. Hãy bảo vệ quyền lợi của bản thân và tránh xa những chiêu trò lừa đảo.

    (2) Lừa đảo chiếm đoạt học phí lái xe ô tô có thể bị truy cứu hình sự

    Người nào có hành vi mạo danh các Trung tâm dạy lái xe hoặc sử dụng các thủ đoạn gian dối khác để tạo lòng tin của người khác nhằm chiếm đoạt tiền học phí trước sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

    Về mức xử phạt, hình phạt nhẹ nhất mà những đối tượng này có thể phải đối mặt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

    Trong trường hợp nghiêm trọng, với giá trị tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, mức phạt cao nhất có thể lên đến 12 năm đến 20 năm tù giam hoặc tù chung thân.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    >>> Xem thêm: Quy trình thi bằng lái xe B1, B2, C, D và E đối với thí sinh mới nhất 2024

    Các trường hợp không được thi bằng lái xe B1, B2

     
    249 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận