Tâm lý của người Việt Nam nói chung thường coi trọng hình thức, coi trọng bằng cấp và luôn áp đặt tư tưởng chỉ có con đường đại học, con đường học vấn mới dẫn đến thành công. Bên cạnh đó, cũng không ít bậc cha mẹ lại quá kỳ vọng vào con cái, bao bọc quá mức, sợ con mình phải chịu khổ mà không hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của con. Tất cả những điều đó vô hình chung đã tạo thành rào cản khiến cho việc thế hệ trẻ không nghĩ đến hoặc không dám tự mình quyết định hướng đi riêng.
Để làm hoặc quyết định bất cứ một điều gì, điều trước hết chính là lý do thúc đẩy mình thực hiện điều đó. Học nghề hay học văn hóa cũng vậy. 16 tuổi – mặc dù chưa thực sự trưởng thành về thể chất cũng như suy nghĩ; song về cơ bản chúng ta đã hiểu được phần nào về năng lực, đam mê, sở thích của bản thân. Một số câu hỏi quan trọng sau có thể giúp bạn định hướng rõ hơn:
- Bạn có đủ năng lực để theo học THPT, cao đẳng, Đại học hay không?
- Bạn có thực sự hứng thú với việc học văn hóa không? Nếu không, bạn thích cái gì, bạn mong muốn điều gì?
- Điều gì thiết thực nhất với bạn ngay bây giờ?
Áp đặt của xã hội, của gia đình nhiều lúc khiến các bạn trẻ vô thức đi theo mà không hề có một suy nghĩ riêng của bản thân. Đó cũng chính là nguyên nhân mà hàng nghìn người đi học THPT, học cao đẳng, thậm chí đại học nhưng lại không hề hứng thú. Học đơn giản chỉ là học, là có một tấm bằng còn tương lai thì chưa nghĩ đến. Bởi vậy sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường, nhiều người rơi vào tình cảnh mất phương hướng, không biết nên làm gì, nên bắt đầu từ đâu. Thay vì phí phạm thời gian, tiền bạc và sức lực như vậy; tại sao chúng ta không suy nghĩ về vấn đề theo đuổi một ngành nghề rõ ràng, một ngành nghề mà mình ưa thích sớm hơn?
Nếu hoàn cảnh gia đình không cho phép, đây cũng là một hướng đi phù hợp. Ngày nay cùng với sự phát triển của dịch vụ - du lịch; nguồn nhân lực phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, quán ăn ngày càng được quan tâm đặc biệt. Học viên trường nghề hoàn toàn có thể có được mức thu nhập ổn định ngay sau khi hoàn thành khóa học.
Sinh ra và lớn lên; chúng ta thường bị ràng buộc trong những quan điểm, những lời khuyên “nên” hay “không nên”. Điều đó không hẳn là sai. Song tất cả những lời khuyên, những áp đặt, những chuẩn mực đưa ra đó có phù hợp hay không thì mỗi người sẽ có cho mình một đáp án riêng. Đừng để đến một lúc nào đó bạn phải tiếc nuối vì đã không dám thực hiện ước mơ của mình.
Cập nhật bởi thuylinh2311 ngày 11/12/2017 05:39:11 CH