Hoạt động đại lý bảo hiểm với tư cách cá nhân thì có đóng thuế TNCN không?

Chủ đề   RSS   
  • #602696 20/05/2023

    Hoạt động đại lý bảo hiểm với tư cách cá nhân thì có đóng thuế TNCN không?

    Hiện nay, hoạt động kinh doanh kinh doanh bảo hiểm gồm những hoạt động nào, hoạt động đại lý bảo hiểm là gì? Điều kiện kinh doanh hoạt động đại lý bảo hiểm là gì? Hoạt động đại lý bảo hiểm với tư cách cá nhân thì có đóng thuế TNCN không?

     

    1/ Hoạt động đại lý bảo hiểm là gì?

    Theo quy định tại Khoản 1, 5 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì:

    - Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

    - Hoạt động đại lý bảo hiểm là một hoặc một số hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, bao gồm: tư vấn sản phẩm bảo hiểm; giới thiệu sản phẩm bảo hiểm; chào bán sản phẩm bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm; thu thập hồ sơ để phục vụ việc giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

    2. Điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm

    Ttheo quy định tại Điều 125 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

    Điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm được thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:

    - Đối với cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

    + Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;

    + Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

    + Có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp theo quy định tại Điều 130 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

    - Đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

    + Được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

    + Đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Đối với các tổ chức hoạt động trong ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm;

    + Có nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đáp ứng các điều kiện như đối với cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm

    + Điều kiện về nhân sự và điều kiện khác theo quy định của Chính phủ (hiện nay chưa có quy định cụ thể về điều kiện này).

    - Tổ chức, cá nhân không được giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

    + Tổ chức là pháp nhân thương mại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tổ chức đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bảo hiểm;

    + Cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành hình phạt cấm hành nghề liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.”

    => Theo đó, đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm thì có thể là cá nhân hoặc tổ chức đáp ứng được các điều kiện nêu trên.

    3. Hoạt động đại lý bảo hiểm với tư cách cá nhân thì có đóng thuế TNCN không?

    Đối với trường hợp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với tư cách cá nhânthì tại Điều 124 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định rõ: Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

    Tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả một số trường hợp sau:

    + Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật;

    + Hoạt động đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp;

    + Hợp tác kinh doanh với tổ chức;

    + Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, thuế TNCN;

    +  Hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

    => Như vậy, cá nhân ký hợp đồng đại lý bảo hiểm với bên doanh nghiệp bảo hiểm thì thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư 40/2021/TT-BTC.

    Theo đó:

    - Phương pháp tính thuế đối với cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC, cụ thể:

    + Cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý bảo hiểm là cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm theo hình thức đại lý bán đúng giá.

    + Cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý bảo hiểm không trực tiếp khai thuế, trừ trường hợp hướng dẫn tại Điểm d Khoản 2 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ và khai thuế, nộp thuế TNCN nếu doanh nghiệp xác định số tiền hoa hồng trả cho cá nhân tại đơn vị trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng. Trường hợp trong năm cá nhân phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống tại nhiều nơi, cá nhân dự kiến hoặc xác định được tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì có thể ủy quyền cho các tổ chức trả thu nhập khấu trừ thuế đối với số tiền hoa hồng nhận được tại đơn vị trong năm tính thuế.

    + Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện khai thuế theo tháng hoặc quý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và không phải khai quyết toán thuế đối với nghĩa vụ khấu trừ thuế TNCN của các cá nhân làm đại lý bảo hiểm.

    + Trường hợp trong năm tổ chức trả thu nhập chưa thực hiện khấu trừ thuế do chưa đến mức khấu trừ và cá nhân không ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập khấu trừ, đến cuối năm cá nhân xác định thuộc trường hợp phải nộp thuế theo quy định thì cá nhân thực hiện khai thuế, nộp thuế theo năm.

    - Vấn đề quản lý thuế đối với cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý bảo hiểm được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư 40/2021/TT-BTC:

    - Về thuế suất thuế TNCN làm đại lý bảo hiểm theo quy định tại Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC là 5%.

     
    998 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận