Trong pháp luật về thừa kế theo di chúc, thông thường di chúc bao gồm hai hình thức là di chúc miệng và di chúc bằng văn bản. Nếu như di chúc bằng văn bản là hình thức di chúc được sử dụng phổ biến, có giá trị chứng cứ cao thì di chúc miệng lại là hình thức mang tính chất phòng ngừa – trao cho người lập di chúc cơ hội cuối cùng để lại ý nguyện định đoạt tài sản của mình, nên hình thức này không xảy ra phổ biến và không được khuyến khích nhiều (vì dùng lời nói nên giá trị chứng cứ không cao). Vì vậy, di chúc miệng rất ít đc ghi nhận trong các Bộ luật dân sự (BLDS) trên thế giới. Việt Nam là một trong số quốc gia công nhận di chúc miệng nhưng xoay quanh các quy định về di chúc miệng tồn tài một số vấn đề, đặc biệt là đối với hoàn cảnh lập di chúc miệng và các điều kiện để di chúc miệng hợp pháp.
Di chúc miệng không thể được lập trong mọi trường hợp thông thường như di chúc bằng văn bản, nghĩa là người lập di chúc phải ở trong hoàn cảnh đặc biệt do luật quy định mới được phép lập di chúc miệng. Khoản 1 Điều 629 BLDS 2015 quy định “ Trường hợp (1) tính mạng một người bị cái chết đe dọa và (2) không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng”. Bản chất của hoàn cảnh tại BLDS 2015 không thay đổi so với BLDS 2005 trước đó, vẫn yêu cầu người này phải trong trường hợp tính mạng bị cái chết đe dọa, không thể lập di chúc bằng văn bản mới được di chúc miệng nhưng cách kết cấu của BLDS 2015 đầy đủ và rõ nghĩa hơn (Khoản 1 Điều 651 BLDS 2005 quy định để lập di chúc miệng thì người đó phải tính mạng bị cái chết bị đe dọa bởi bệnh tật hay nguyên nhân khác, mà không thể lập di chúc bằng văn bản).
Đối với yêu cầu thứ nhất, hoàn toàn hợp lý khi luật cho phép một người đang cận kề cái chết, tính mạng bị đe dọa được dùng lời nói thể hiện ý nguyện của mình nhưng không cần thiết phải quan tâm nguyên nhân của việc tính mạng bị đe dọa là gì, bệnh tật hay nguyên nhân nào khác như BLDS 2005, vì nguyên nhân không đáng quan trọng, điều quan trọng là hệ quả “tính mạng bị cái chết đe dọa”. Vì vậy, việc BLDS 2015 bỏ đi đoạn “do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác” là điều dễ hiểu.
Đối với yêu cầu thứ hai, BLDS 2015 vẫn giữ nguyên nội dung nhưng thay thế từ “mà” thành từ “và”. Sự thay thế này tuy nhỏ nhưng làm rõ nghĩa, vì ngoài điều kiện tính mạng bị cái chết đe dọa thì còn phải đáp ứng điều kiện là “không thể lập di chúc bằng văn bản”, nếu người đó còn có thể lập di chúc bằng văn bản thì vẫn chưa được phép lập di chúc miệng. Cho nên việc dùng từ “và” để diễn đạt chính xác hai điều kiện cần và đủ này (sự bắt buộc là ngang nhau) để dẫn đến hoàn cảnh có thể lập di chúc miệng.