Thứ nhất, về hình thức xử phạt
Căn cứ vào Khoản 2, 3, 4 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP
“Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”
Như vậy
Đối với người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN thì phạt 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
Đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHTN thì bị phạt từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như quy định tại Khoản 4 phía trên.
Thứ hai, về thẩm quyền xử phạt
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
"Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính
3. ... trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt."
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã lập biên bản đối với doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động, nhưng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính này lại vượt quá thẩm quyền của bạn nên bạn phải chuyển lên cho người có thẩm quyền xử phạt.
Thẩm quyền cử phạt căn cứ Điều 36 Nghị định 95/2013/NĐ-CP
"Điều 36. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội;
c) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội ...
c) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này.
Trên là ý kiến của mình, bạn tham khảo thử nhé!