Hồ sơ xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chủ đề   RSS   
  • #615789 29/08/2024

    ngocngocngyn

    Sơ sinh

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:15/03/2024
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 325
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 2 lần


    Hồ sơ xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

    Chính phủ ban hành Nghị định 84/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dưới đây là nội dung quy trình thủ tục liên quan đến xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

    1. Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

    Điều 23 Nghị định 84/2014/NĐ-CP trong vòng 15 ngày, kể từ khi có quyết định xử lý hành vi lãng phí hoặc nhận được kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán nhà nước nếu rơi vào trường hợp phải thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại (sau đây gọi là Hội đồng), người có thẩm quyền ra quyết định bồi thường thiệt hại có trách nhiệm thành lập Hội đồng để xem xét, giải quyết việc bồi thường thiệt hại. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

    Thành phần Hội đồng gồm:

    - Người có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 22 Nghị định 84/2014/NĐ-CP làm Chủ tịch Hội đồng;

    - Đại diện lãnh đạo tổ chức công đoàn cùng cấp làm Ủy viên;

    - Người phụ trách bộ phận tài chính, kế toán của cơ quan, tổ chức làm Ủy viên;

    - Người phụ trách đơn vị trực tiếp của người phải bồi thường làm Ủy viên (nếu có);

    - Một chuyên gia về kinh tế, kỹ thuật làm Ủy viên (nếu cần);

    - Chủ tịch Hội đồng cử một Ủy viên làm nhiệm vụ Thư ký Hội đồng để giúp việc cho Hội đồng.

    Không bố trí những người có quan hệ gia đình đối với người có hành vi lãng phí, gây thiệt hại vào thành phần Hội đồng. Những người có quan hệ gia đình bao gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi (bên vợ hoặc bên chồng), vợ (hoặc chồng), con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh, chị, em ruột (bên vợ hoặc bên chồng), cháu nội, cháu ngoại.

    Hội đồng làm việc theo các nguyên tắc:

    - Hội đồng họp khi có đủ từ 03 thành viên trở lên tham dự, trong đó bắt buộc có Chủ tịch Hội đồng, đại diện lãnh đạo tổ chức công đoàn cùng cấp, người phụ trách bộ phận tài chính, kế toán của cơ quan, tổ chức;

    - Phải bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan và tuân theo các quy định của pháp luật;

    - Kiến nghị của Hội đồng về mức, thời hạn và phương thức bồi thường được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín theo nguyên tắc đa số và hợp lệ; trường hợp số phiếu đồng ý bằng số phiếu không đồng ý thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định;

    - Cuộc họp của Hội đồng phải có biên bản ghi ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị mức, thời hạn và phương thức bồi thường;

    - Các cuộc họp của Hội đồng phải có sự tham dự của người có nghĩa vụ bồi thường. Trường hợp người có nghĩa vụ bồi thường vắng mặt sau 02 lần được Hội đồng triệu tập mà không có lý do chính đáng thì đến lần thứ 03, sau khi Hội đồng triệu tập, nếu người đó tiếp tục vắng mặt thì Hội đồng vẫn họp và người gây ra thiệt hại phải thi hành quyết định về bồi thường thiệt hại.

    Chậm nhất sau 07 ngày, kể từ khi Hội đồng được thành lập, Chủ tịch Hội đồng phải tổ chức cuộc họp để xem xét việc bồi thường thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra. Hội đồng có trách nhiệm xem xét và đưa ra kiến nghị về:

    - Xác định hành vi lãng phí;

    - Đánh giá mức độ thiệt hại thực tế do hành vi lãng phí gây ra;

    - Xác định trách nhiệm của từng cá nhân có hành vi lãng phí gây ra thiệt hại;

    - Kiến nghị với người có thẩm quyền ra quyết định bồi thường thiệt hại về mức, thời hạn và phương thức bồi thường thiệt hại cụ thể đối với từng cá nhân.

    2. Hồ sơ xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

    Điều 24 Nghị định 84/2014/NĐ-CP khi xem xét, giải quyết việc bồi thường phải căn cứ vào hồ sơ xử lý trách nhiệm bồi thường của vụ việc, bao gồm:

    - Quyết định xử lý hành vi lãng phí hoặc kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán nhà nước (nếu có) về hành vi vi phạm pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

    - Bản tường trình của người có hành vi lãng phí gây thiệt hại;

    c) Hồ sơ kinh tế - kỹ thuật (nếu có) của trang bị, thiết bị hoặc tài sản bị mất, hư hỏng hoặc thiệt hại;

    - Biên bản đánh giá sơ bộ giá trị tài sản bị thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 84/2014/NĐ-CP;

    - Các văn bản khác có liên quan (nếu có).

    Hồ sơ xử lý trách nhiệm bồi thường phải được gửi các thành viên Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường trước khi họp Hội đồng 05 ngày làm việc.

    3. Trình tự họp Hội đồng và ra quyết định về bồi thường thiệt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

    Điều 25 Nghị định 84/2014/NĐ-CP hội đồng họp xem xét giải quyết việc bồi thường theo trình tự sau:

    - Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia;

    - Ủy viên được cử làm nhiệm vụ Thư ký Hội đồng báo cáo về hành vi lãng phí gây thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại;

    - Hội đồng nghe giải trình của người có hành vi lãng phí gây thiệt hại và ý kiến của các thành viên Hội đồng;

    - Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu kín về mức, thời hạn và phương thức bồi thường;

    - Chủ tịch Hội đồng công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản cuộc họp;

    - Chủ tịch Hội đồng và Ủy viên được giao nhiệm vụ làm Thư ký Hội đồng ký biên bản cuộc họp.

    Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng bỏ phiếu thông qua mức, thời hạn và phương thức bồi thường, Chủ tịch Hội đồng phải hoàn thành hồ sơ cuộc họp và kiến nghị của Hội đồng gửi tới người có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại.

    Điều 26 Nghị định 84/2014/NĐ-CP trường hợp có thành lập Hội đồng thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng, người có thẩm quyền quy định tại Điều 22 Nghị định 84/2014/NĐ-CP phải ra quyết định về bồi thường thiệt hại.

    Trường hợp không thành lập Hội đồng thì trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm gây lãng phí, người có thẩm quyền quy định tại Điều 22 Nghị định 84/2014/NĐ-CP phải ra quyết định về bồi thường thiệt hại.

    Trường hợp sau khi đã ra quyết định về bồi thường thiệt hại mà phát hiện những tình tiết mới làm thay đổi lỗi, mức độ vi phạm và số tiền bồi thường thiệt hại đã kết luận trước đó thì tổng thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện những tình tiết mới, người có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức họp lại Hội đồng để xem xét, quyết định lại số tiền bồi thường hoặc xem xét, quyết định lại số tiền bồi thường thiệt hại theo thẩm quyền.

    Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về bồi thường thiệt hại, người có thẩm quyền ra quyết định bồi thường thiệt hại phải gửi cho người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại để thi hành.

    Trường hợp người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu trước ngày ra quyết định về việc bồi thường thiệt hại thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo quy định tại Điều 27 Nghị định 84/2014/NĐ-CP.

    Như vậy, sau đây là nội dung quy trình thủ tục liên quan đến xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Nghị định 84/2014/NĐ-CP.

     
    50 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận