Hiện vẫn còn tình trạng giáo viên phải sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định làm mất nhiều công sức, gây áp lực và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc. Đã có rất nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng thêm hồ sơ sổ sách cho giáo viên nhưng tình trạng này vẫn xảy ra và để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ký ban hành
Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Trong đó, bộ yêu cầu giám đốc sở GD-ĐT, trưởng phòng GD-ĐT và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại điều lệ hoặc quy chế nhà trường do bộ ban hành.
Như thường lệ, năm nào giáo viên cũng phải làm đề kiểm tra kèm theo ma trận, đáp án môn, cấp lớp mình dạy, kể cả những môn như thể dục, công nghệ, nhạc, mỹ thuật… gửi về cho ban giám hiệu, cho Phòng Giáo dục (nếu trường trực thuộc Phòng), cho Sở Giáo dục (nếu trường trực thuộc Sở) nói là để làm “ngân hàng đề”.
Chẳng biết thực hư thế nào nhưng suốt nhiều năm như thế đến nỗi giáo viên “hết đề”, bèn quay về lấy đề cũ để gửi cũng chẳng ai có ý kiến gì thế nhưng không gửi thì sẽ bị “cắt” thi đua.
Cực nhất về hồ sơ, sổ sách có lẽ là giáo viên chủ nhiệm.
Không có quy định nào của cơ quan quản lý giáo dục nhưng hiện nay dường như tất cả các trường phổ thông đều bắt buộc giáo viên chủ nhiệm phải sử dụng mẫu sổ chủ nhiệm mà theo họ nói là “của Bộ” dày gần 200 trang với nhiều nội dung không phù hợp thậm chí là vô lý nhưng bắt buộc vẫn phải ghi đầy đủ. Trong khi đó có nhiều nội dung cần thiết nhưng không có chỗ để ghi nhận do đó, để quản lý lớp có hiệu quả giáo viên chủ nhiệm phải làm thêm sổ khác.
Vì vậy áp dụng quy định mới thì giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng hồ sơ, sổ sách theo quy định; từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hiện hành theo lộ trình phù hợp điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.
Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo Điều 8
Thông tư số 14/2018/TT- BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Điều 8
Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Cơ quan quản lý giáo dục tuyệt đối không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và giáo viên. Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí quản trị tổ chức, hành chính nhà trường theo Điều 5
Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.
"Chúng ta cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin để các thầy cô “nhẹ gánh” đi và không phải mất nhiều thời gian, áp lực hay ức chế chỉ vì những việc liên quan đến sổ sách" Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.