Theo thông tin anh cung cấp, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT hiểu rằng bên đối tác của mình đã vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng kinh tế được ký kết trước đó (cụ thể là vi phạm về nghĩa vụ thanh toán hợp đồng), và đơn vị mình đang có ý định khởi kiện ra Tòa kinh tế để được giải quyết đúng không ạ (?).
Trong trường hợp này, chúng ta sẽ dựa vào quy định tại Điều 440 Bộ luật Dân sự 2015 và hợp đồng kinh tế được ký kết giữa các bên để xác định bên mua đã vi phạm hợp đồng để tiến hành khởi kiện ra Tòa án anh nhé.
Anhsẽ gửi đơn khởi kiện ra Tòa kinh tế với hồ sơ khởi kiện gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản, tài liệu giao dịch có giá trị như hợp đồng kinh tế;
- Các giấy tờ khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng và chứng minh bên mua đã vi phạm hợp đồng (Biên bản bổ sung, phụ lục, phụ kiện hợp đồng (nếu có); Tài liệu về bảo đảm thực hiện hợp đồng như: cầm cố, thế chấp, tài sản (nếu có); Tài liệu về việc thực hiện hợp đồng như giao nhận hàng, các biên bản nghiệm thu, các chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng, các biên bản làm việc về công nợ tồn đọng;….);
- Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác như: giấy phép, quyết định THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp.….
- Các tài liệu giao dịch khác (nếu thấy cần thiết);
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
Nếu thành công, chúng ta có thể yêu cầu bên mua phải trả lại khoản nợ; phải thực hiện trách nhiệm phạt vi phạm hợp đồng; phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Anh/chị kiểm tra thêm Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015
“Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm
1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.