Hồ sơ đề nghị mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in hiện nay bao gồm những gì?

Chủ đề   RSS   
  • #615863 30/08/2024

    phucpham2205
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1167)
    Số điểm: 20699
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 399 lần
    SMod

    Hồ sơ đề nghị mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in hiện nay bao gồm những gì?

    Hồ sơ đề nghị mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in hiện nay bao gồm những gì? Đối tượng nào được mua? Trường hợp bị cháy, hỏng, mất thì xử lý như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    (1) Hồ sơ đề nghị mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in hiện nay bao gồm những gì?

    Hiện nay, hồ sơ đề nghị mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại tiểu mục 5 Mục II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 1464/QĐ-BTC năm 2022 như sau:

    - Đơn đề nghị mua hóa đơn theo Mẫu số 02/ĐN-HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/30/mau-don-de-nghi-mua-hoa-don.doc Mẫu số 02/ĐN-HĐG

    - Bản cam kết theo Mẫu số 02/CK-HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP đối với trường hợp mua hóa đơn lần đầu.

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/30/mau-cam-ket-hoa-don.doc Mẫu số 02/CK-HĐG

    - Xuất trình giấy CMND hoặc thẻ CCCD còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, hiện nay, để mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in thì người mua cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ như đã nêu trên.

    (2) Đối tượng nào được mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in?

    Căn cứ theo Điều 23 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về áp dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in như sau:

    Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Cục Thuế) đặt in hóa đơn để bán cho các đối tượng sau:

    - Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 123/2020/NĐ-CP trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế.

    Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử. Khi chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thì các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế (nếu đủ điều kiện) theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

    - Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trong thời gian hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cấp mã hóa đơn của cơ quan thuế gặp sự cố theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 123/2020/NĐ-CP

    Theo đó, hiện nay, sẽ chỉ bán hóa đơn thuế đặt in cho đối tượng mua là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh theo quy định như đã nêu trên.

    (3) Hóa đơn đặt in mua của cơ quan thuế bị mất, cháy, hỏng thì xử lý như thế nào?

    Đối với trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn đặt in mua của cơ quan thuế thì tại Quyết định 1464/QĐ-BTC năm 2022 có hướng dẫn trình tự xử lý như sau:

    Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế do Cục Thuế quản lý; doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ cá nhân kinh doanh, do Chi cục Thuế quản lý (doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ cá nhân kinh doanh sau đây được gọi chung là người nộp thuế).

    - Đối với hóa đơn đã lập hoặc chưa lập:

    Bước 01: Lập báo cáo về việc mất, cháy, hỏng.

    Bước 02: Thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo Mẫu số BC21/HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP chậm nhất không quá 05 ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. 

    Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 05) trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.

    Bước 03: Cơ quan Thuế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

    - Đối với trường hợp đã lập hóa đơn theo đúng quy định nhưng sau đó người bán hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập:

    Bước 01: Lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ liên 01 của hóa đơn người bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào;

    Bước 02: Ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản và người bản sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua.

    Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) của người bán kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Người bán và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

    Bước 03: Cơ quan Thuế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

    - Đối với trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn liên 2 đã sử dụng có liên quan đến bên thứ ba: Căn cứ vào việc bên thứ ba do người bán hoặc người mua thuê để xác định trách nhiệm và xử phạt người bán hoặc người mua theo quy định.

    Như vậy, hiện nay, sẽ tùy theo từng trường hợp cụ thể mà quy trình xử lý Hóa đơn đặt in mua của cơ quan thuế bị mất, cháy, hỏng sẽ có sự khác nhau theo quy định như đã nêu trên.

     
    51 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận