Chào bạn pemuc1986
Theo quan điểm của mình, NHNN làm vậy là đúng! Cái gọi là Hộ gia đình hay Tổ hợp tác nó rắc rối, khó xác định trách nhiệm!
Tôi ví dụ: Nếu Hộ gia đình đi vay thì tất cả thành viên (có tài sản) trong Hộ đều phải ký tên trên Hợp đồng vay...Nếu bạn có 2 đứa con đang đi du học bên Mỹ thì ký kiểu gì được? Mặt khác, theo thông tư 39 thì hộ kinh doanh vẫn có thể vay vốn đứng dưới tên cá nhân bạn nhé. Cụ thể, bạn có thể thao khảo tại một bài viết của tôi có phân tích về thông tư 39 này.
Hộ kinh doanh vẫn có thể vay vốn tổ chức tín dụng sau ngày 13/5
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ gồm cá nhân và pháp nhân. Do đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN) mới đây đã bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là cá nhân, pháp nhân quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ( Thông tư 39) vừa ban hành để phù hợp với Bộ luật này.
Thông tư 39 có hiệu lực từ ngày 15/3, các đối tượng không phải là pháp nhân ( như hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hộ gia đình, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn.
Thông tin này đang khiến nhiều chủ hộ gia đình làm ăn buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ lo ngại vì vay vốn ngân hàng sẽ khó khăn hơn.
Tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia thì quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Theo đó, hộ gia đình, hộ kinh doanh từ nay trở đi sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chủ hộ không còn đại diện cho hộ như trước đây nữa.
Lý do khiến NHNN lại điều chỉnh quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD) là cá nhân , pháp nhân đơn thuần chỉ để nhằm xác định lại đối tượng vay vốn ngân hàng đồng nhất theo Bộ luật dân sự năm 2015 nhằm tránh việc TCTD tiếp tục ký hợp đồng cho vay với hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho TCTD cho vay vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng do bên vay không đủ tư cách chủ thể.
Theo NHNN thì từ ngày 01/01/2017, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết tất cả các loại hợp đồng (không chỉ riêng đối với hợp đồng tín dụng ngân hàng). Việc vay vốn ngân hàng sẽ phải thực hiện theo tư cách cá nhân. Thông tư 39 đã có quy định này và cũng không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn.
Về lãi suất, NHNN cho biết lãi suất vay do TCTD quyết định tùy thuộc vào mục đích vay vốn (tiêu dùng hay kinh doanh), thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào của từng TCTD; thông thường không phụ thuộc vào tư cách vay vốn là cá nhân hay hộ kinh doanh và trách nhiệm hoàn trả vốn vay là của cá nhân vay vốn. Việc vay vốn của cá nhân không ràng buộc trách nhiệm của hộ kinh doanh.
Như vậy, về cơ bản thì việc vay vốn của Hộ gia đình sẽ thực hiện theo tư cách pháp nhân, một cá nhân trong hộ gia đình sẽ đứng tên để vay vốn và đại diện chịu trách nhiệm với khoản vay đó. Hộ gia đình không có tư cách chủ thể để vay vốn nữa. Đây cũng là một bước ngoặt để các hộ gia đình xem xét việc thay đổi loại hình kinh doanh từ Hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. Một cơ sở kinh doanh có tư cách pháp nhân trong quá trình hoạt động, vay vốn, phát triển kinh doanh sẽ có khá nhiều thuận lợi về cả thời gian và thủ tục.
(Vũ Huyền)