Đã từ lâu thực trạng học hộ, thi hộ được coi là một vấn nạn nhức nhối trong lĩnh vực giáo dục. Có thể thấy hệ lụy của nó rất lớn, trước hết làm mất đi tính chất công bằng cho các sinh viên trong cùng trường. Nói xa hơn, thực trạng này tác động đến nhận thức không tích cực, việc trau dồi kiến thức, tư duy của những cá nhân tiến hành nhờ học hộ, thi hộ và không thể phủ nhận rằng, điều này sẽ ảnh hưởng tới định hướng nghề nghiệp của sinh viên đó trong tương lai.
Hành vi thuê người học hộ thi hộ và hành vi học hộ, thi hộ sẽ phải chịu chế tài xử lý ra sao?
Nhiều bạn vẫn nghĩ việc thuê người học hộ, thi hộ và việc học hộ, thi hộ đơn thuần chỉ là một giao dịch dân sự bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét đến nội dung giao dịch đó liệu có trái quy định pháp luật không. Câu trả lời là có đấy.
Đầu tiên, chúng ta phải xác định hành vi nhờ/thuê người học hộ thi hộ và hành vi học hộ, thi hộ không chỉ là những hành vi trái đạo đức mà nó còn trái pháp luật giáo dục, cụ thể đây là các hành vi học sinh, sinh viên (HSSV) không được làm theo quy định tại khoản 2, Điều 6 Quy chế học sinh, sinh viên được ban hành kèm theo Quyết định 42/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo:
"Điều 6: Các hành vi HSSV không được làm.
2. Gian lận trong thi cử: ...học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, trực hộ;...; Tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác”.
Chính vì tính chất hành vi trái pháp luật nên nếu việc học hộ, thi hộ bị phát hiện, trước hết bài làm hộ, bài thi hộ của sinh viên đó sẽ bị hủy bỏ, không được công nhận điểm danh trong các buổi học hộ; ngoài ra, sẽ bị xử lý thêm các trách nhiệm sau:
Xử lý kỷ luật đối với hành vi nhờ/thuê người học hộ, thi hộ
Trước hết, những hành vi gian lận trên sẽ bị xử lý về trách nhiệm kỷ luật theo khoản 2 Điều 29 của Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ quy định:
Sinh viên đi thi hộ hoặc nhờ người khác thi hộ, đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.
Xử phạt hành chính đối với hành vi học hộ, thi hộ
Không chỉ chịu hình phạt kỷ luật theo quy định về quản lý giáo dục mà hành vi học hộ, thi hộ còn có thể bị xử lý hành chính theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 138/2013/NĐ-CP:
“3. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy chế thi theo các mức phạt sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;
c) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác;
….”
>>>Xử lý hành vi làm giả Thẻ sinh viên
Thẻ sinh viên được cấp cho những người đã có quyết định công nhận là sinh viên (theo điểm a, khoản 2, Điều 7 Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ được ban hành kèm theo Quyết định 17/VBHN-BGDĐT). Theo đó, thẻ sinh viên không được xác định là giấy chứng nhận hoặc tài liệu do tổ chức giáo dục phát hành mà chỉ được xem như là loại giấy tờ quản lý nội bộ do mỗi tổ chức giáo dục sử dụng để quản lý sinh viên theo học.
Vì vậy, đối với hành vi làm thẻ sinh viên giả hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung thẻ sinh viên nhằm hỗ trợ thực hiện hành vi học hộ, thi hộ thì chỉ có thể bị xử lý trách nhiệm kỷ luật theo khoản 2 Điều 29 của Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ như mình vừa đề cập ở phần trên.
>>>Xử lý hành vi làm giả Chứng minh nhân dân (CMND)
Với hành vi làm giả CMND trong học hộ, thi hộ thì người có hành vi làm giả CMND, sử dụng CMND giả để thi hộ có thể đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 BLHS 2015:
"Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”