Hiệp sĩ và Nô lệ!

Chủ đề   RSS   
  • #86607 05/03/2011

    ngocxitet

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/02/2011
    Tổng số bài viết (54)
    Số điểm: 1187
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 29 lần


    Hiệp sĩ và Nô lệ!

    Xin được đăng lại toàn văn bài "Ngẫm nghĩ vể nghề nghiệp" của luật sư Nguyễn Ngọc Bích.

    Ngẫm nghĩ về nghề nghiệp
    Một năm nữa vừa qua đi! Những vị đồng nghiệp trên sáu bó như tôi, hẳn có lúc nhìn lại nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi. Giá như cách đây hơn 10 năm, khi Đoàn mình còn hội họp vào đêm Trừ tịch để anh em hàn huyên, chúc Tết nhau, và anh Trừng cho phá mồi, thì đề tài này dễ dàng được đem ra tào lao và chắc là… nóng hổi!
     
    Bây giờ không còn! Thôi tôi bèn giả vờ là anh em mình đang làm lại, không có người ngoài, để tào lao về cái nghề nghiệp của mình.
    Mình giống nhau
    Hiện nay công việc của anh em mình có thể chia làm hai loại chính: bào chữa và tư vấn. Công việc có khác nhau; nhưng vui buồn ắt không khác nhau lắm. Nhìn thẳng vào thực tế tôi thấy luật sư bào chữa thì dễ thấy mình là “hiệp sĩ cao quý”; còn luật sư tư vấn là “nô lệ cao cấp”. Tôi sẽ nói về các sự khác biệt đó. Còn bây giờ thì phải bắt đầu bằng sự giống nhau. Về điểm này thì sách vở từ xưa còn để lại rằng vào năm 1231, tại tiểu quốc Sicily ở Ý có một bộ luật gọi là Liber Augustatis (sách của Auguste) trong đó luật ra lệnh cho luật sư bào chữa phải thề trước các thẩm phán ở tòa rằng: “Họ phải quan tâm giúp đỡ các người mà họ đã nhận bào chữa với tất cả niềm tin và sự thật mà không được có một mưu mẹo nào. Họ sẽ không chỉ dẫn cho những người kia về các sự kiện của vụ tranh chấp. Họ không được rêu rao những gì trái ngược với kiến thức thật của họ, và họ không được nhận những vụ nào mà không có giải pháp khắc phục. Nếu có đảm nhận một vụ nào mà đã bị làm méo mó bởi một bên nói dối, mà thoạt đầu họ thấy là đúng, là công bằng, thì phải ngừng biện hộ ngay lập tức… Họ cũng phải thề là không đòi tăng thù lao trong khi vụ xử đang tiến hành, và không được lập hợp đồng liên quan đến một bên nằm trong vụ tranh chấp. Vi phạm vào lời thề này sẽ bị phạt ba lạng vàng ròng.”
    Rõ ràng, từ xưa đến nay, chúng ta đều phải tuân theo những đòi hỏi này và dễ bị “phạt ba lạng vàng ròng” đấy! Không tin cứ hỏi Hội đồng Khen thưởng- Kỷ luật của Đoàn! Còn một điều nữa tôi thấy chúng mình cũng giống nhau là được “tự do” nhận hay từ chối thân chủ. Đó là tự do thực sự và tuyệt đối. Nhưng chỉ đến thế thôi! Đi xa hơn nữa là có… chuyện! Mà đã nhận lời với ai rồi thì phải đi vào khuôn khổ luật định, nghiêm chỉnh và tích cực hơn những người khác! “Là luật sư mà anh làm như thế sao?”, đó là câu mà chúng ta dễ bị nghe. Bây giờ tôi xin đi sang những cái khác nhau giữa hai bên.
    Luật sư bào chữa      
    Trong mối quan hệ với khách hàng, luật sư bào chữa oai hơn luật sư tư vấn! Khi khách hàng tìm luật sư bào chữa thì đa số họ đang ở trong lo âu; không cho mình thì cũng cho người mình đi “tìm thày” hộ. Ít nhiều họ đang lo ngại bị thưa kiện hay có thể rơi vào vòng lao lý và đến luật sư để mong được  thoát khỏi cảnh ấy. Họ mong luật sư ra tay. Và luật sư thành hiệp sĩ là vậy! Đây không phải là giới  luật sư tự khen mình mà do Vua Philippe IV le Bel của Pháp (1285–1314) phong cho từ thế kỷ 14 cơ đấy! (1)
    Hiệp sĩ thuộc giới quý tộc nên phải cao quý! Vậy họ ắt phải có tài. Vâng tài của luật sư bào chữa là hùng biện. Ít nhiều là như thế. Và nhiều bạn trẻ thích làm luật sư vì thấy tính chất hiệp sĩ lẫn tài hùng biện của luật sư. Thích vì muốn mình cũng sẽ trở thành như thế (chứ chưa chắc đã thích… luật sư). Nhưng hùng biện chỉ là bên ngoài. Cái ấy không tồn tại nếu không có cái bên trong nâng đỡ. Cái sau chính là khả năng “cầy sâu cuốc bẫm”. Luật sư bào chữa phải làm nhiều và tỉ mỉ để tìm từ trong sự việc một chi tiết – nhiều khi bé nhỏ (gọi là Sự kiện A) – để gỡ tội cho thân chủ trong một vụ hình sự. Nêu lên, vạch ra, và xóa bỏ được Sự kiện A đi thì thể nào thân chủ cũng tràn trề hy vọng thoát tội. Thế nhưng luật sư đảm nhận một dân sự thì lại phải làm khác. Người này phải cố gắng ấn Sự kiện A vào nội vụ để đòi bồi thường cho thân chủ hay trong trường hợp đối nghịch là thay đổi Sự kiện A đi để xin tòa… bác đơn hầu cũng phục vụ thân chủ! Ai muốn biết cách “cày sâu cuốc bẫm” trong một vụ hình sự thì cứ tham gia giải đấu tennis của Đoàn để gặp luật sư Hoài mà hỏi. Còn nếu không tìm thấy ông ấy ở đó thì đi mua quyển “Ký sự pháp đình” hay quyển “Hành nghề luật sư – trong vụ án hình sự” về mà đọc… ba ngày Tết! Còn về một vụ phi hình sự thì xin tìm luật sư Tâm, hay lại trường luật tìm mua Tạp chí Khoa Học Pháp Lý, để ngẫm nghĩ trong cái Tết… ba ngày.
    Cao quý  như thế thì có bao giờ bị “xuống chó” không nhỉ? Có đấy. Luật sư Tao có kể lại – à mới viết rành là “hiếm khi luật sư được thoải mái tranh luận; nhiều trường hợp, chủ tọa vận dụng quyền điều khiển phiên tòa, cắt ngang lời khi luật sư tham gia xét hỏi hay phát biểu quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích của thân chủ, với cái cớ đơn giản: Điều gì mà hội đồng xét xử hỏi rồi, luật sư không được hỏi nữa; mỗi vấn đề luật sư chỉ được hỏi một lần; hay luật sư trình bày dài dòng quá…” Và luật sư bị … cụt hứng!
    Luật sư tư vấn không giống dzậy
    Khách hàng tìm luật sư tư vấn thì họ chỉ đề phòng rắc rối xảy ra chứ chưa bị lâm vào vòng rối rắm. Họ không nhờ luật sư giúp thế nọ thế kia; mà họ hỏi cái này cái nọ; khi làm xong, luật sư trả lời thì phải viết là “theo chỉ thị của ông” (upon your instruction). Thế mới… được thanh toán thù lao! Hơn nữa khách chỉ muốn phải “xong từ ngày hôm qua” nên phải làm xong việc đúng hẹn. Tiếng Anh gọi là… dead line (mức chết). Nằm trong hoàn cảnh gọng kìm kia bạn nghĩ mình là gì? Nô lệ chứ là gì nữa? Nhưng vì có thắt cà vạt khi tiếp khách nên là… cao cấp! Tôi ngẫm nghĩ về cái “tư thế” dễ bực mình này và phát hiện là các vị có tiến sĩ thì không thành công lắm trong công việc tư vấn! Làm theo chỉ thị – ở cái mức chết – thì chẳng phù hợp tí nào với “danh dự và quyền lợi đi theo tước vị này” mà họ đã được trao ban lúc nhận bằng và có ghi rõ ràng trong bằng cấp của họ (2).
    Là nô lệ nên luật sư tư vấn không phải “xuống chó” như đồng nghiệp uyên thâm (3) bên bào chữa! Thay vì “cày sâu cuốc bẫm” thì luật sư tư vấn phải “vạch lá tìm sâu” trong nội vụ mà thân chủ hỏi ý kiến mình. Đấy là yêu cầu thứ nhất. Thí dụ, dân ngoại thương nói về L/C như là một cách trả tiền, được quy định trong UCP 600… thì luật sư tư vấn phải nhìn ra ba yếu nằm trong đó: cam kết trả tiền của ngân hàng – bản xác thực – và số tiền nhất định. “Vạch sâu” như thế thì mới hiểu tại sao, người bán hàng khi đã có L/C thì có thể đem nó đi thế chấp hay cầm cố cho ngân hàng để vay được tiền đi mua hàng giao cho người mua. Và cũng để nhìn thấy ngân hàng cầm Đô la Mỹ hay Hồng Kông khi nhận tờ giấy kia. Sang yêu cầu thứ hai là phải biết “nghi ngờ” con nợ có thể không trả nợ được. Ấy là một “con sâu” khác và phải xịt thuốc vào nó để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngân hàng. Cách “xịt thuốc” là ghi trong hợp đồng rằng: đã cầm cố L/C, mà không trả nợ được, thì ngân hàng sẽ hớt tay trên số tiền người bán thanh toán để đòi nợ đấy. Chưa hết, phải “vạch” tiếp để xịt thuốc thêm. Đây là yêu cầu thứ ba. Dẫu để ngân hàng “cầm dao đàng cán” thì vẫn phải tránh rủi ro cho họ vì khi ra tòa con nợ- hay bị đơn- có thể kéo dài nội vụ. Vậy là trong phần cuối của hợp đồng phải viết những câu đề phòng như: tiêu đề của mỗi điều khoản chỉ là để chỉ dẫn chứ không dùng để giải thích; hay khi một điều bị vô hiệu thì chỉ điều đó bị ảnh hưởng thôi, còn các điều khác vẫn giữ nguyên hiệu lực; hoặc thư gửi bằng chuyển phát nhanh sẽ được coi là đã được nhận (không phải là giao) dựa trên ngày ghi trong phiếu hồi báo. Có đến gần một tá điều khoản đề phòng như vậy mà luật sư tư vấn phải nhớ. Thuốc “xịt sâu” cả đấy! Đối với luật sư tư vấn soạn hợp đồng là đề phòng tranh chấp, tức là không để cho mình bị “xuống chó”. Là nô lệ thì được tha “xuống chó”!
    Đã “sáu bó” là hết chọn lựa rồi! Làm lại cuộc đời không còn đối với chúng ta! Thôi thì chấp nhận trong vui vẻ; vì dù gì đi nữa cuộc đời cũng chỉ là một sự giải thích. “Nô lệ” hay “hiệp sĩ” cũng vậy thôi. Nói như thế là vì biết rõ mình, hay nhận chân ra thân phận. Biết được như thế để được mừng tuổi thì cũng thú vị phải không ạ? Vậy xin mừng tuổi quý vị “sáu bó” đã nghe cái chuyện tào lao này.

    Luật sư Nguyễn Ngọc Bích (Công ty Luật Hợp danh D.C)


                 
    _______
    (1) Chevalier ès lettre, hay “ squire”. Tiếng Anh là “Esquire” Khi gửi thư cho một luật sư ở Mỹ thay vì  đề “ Mr. John   Doe” người ta có thể đề “John Doe Esq.” Esquire thì cao hơn “gentleman”. 

    (2) Câu viết trong các văn bằng ở Mỹ hay Anh.

    (3) “Learned colleague”  từ ngữ mà các luật sư nói về đồng nghiệp trong cùng vụ án trước vị chánh án ở hệ thống luật Anglo-Saxon.  

     

    Điều ta biết chỉ là một giọt nước

    Điều ta chưa biết là cả đại dương mênh mông.

     
    9423 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận