Khi đã hết hạn hợp đồng lao động cũ, NLĐ vẫn tiếp tục làm việc cho NSDLĐ mà không ký kết hợp lao động mới thì quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định như thế nào?
(1) Hợp đồng lao động có thời hạn bao lâu?
Theo khoản 1 Điều 20 Bộ Luật Lao Động 2019 quy định về các loại hợp đồng lao động, hiện nay có 2 loại hợp đồng lao động bao gồm:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, thời hạn của hợp đồng lao động được thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ trong hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn tối đa không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
(2) Hết hạn hợp đồng lao động, không ký hợp đồng mới có phải nghỉ việc không?
Theo khoản 2 Điều 20 Bộ Luật Lao Động 2019 quy định khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, thì NLĐ và NSDLĐ phải ký kết hợp đồng lao động mới. Trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo như hợp đồng đã giao kết.
Sau thời gian 30 ngày đó mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc và vẫn chưa ký kết hợp đồng lao động mới với NSDLĐ thì hợp đồng lao động xác định thời hạn cũ sẽ trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Như vậy, NLĐ không cần phải nghỉ việc hay phải lo lắng về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mình sẽ bị ảnh hưởng khi hợp đồng lao động hết thời hạn, bởi vì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động vẫn được giữ nguyên theo hợp đồng lao động cũ nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc như bình thường cho NSDLĐ.
Tuy nhiên, NLĐ cần thông báo cho NSDLĐ biết về tình trạng hợp đồng lao động đã hết thời hạn phòng trường hợp NSDLĐ không nhớ về thời hạn của hợp đồng, nếu để quá 30 ngày thì hợp đồng xác định thời hạn sẽ trở thành hợp đồng không xác định thời hạn, sẽ dẫn theo đó là một số quy định khác so với hợp đồng xác định thời hạn khi bạn muốn chấm dứt hợp đồng lao động.
(3) Được ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn mấy lần?
Khi hết thời hạn của hợp đồng xác định thời hạn, NLĐ và NSDLĐ được quyền lựa chọn ký kết thêm hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc đổi qua loại hợp đồng không xác định thời hạn.
Theo khoản 3 Điều 20 Bộ Luật Lao Động 2019 quy định như sau:
- Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ Luật Lao Động 2019.
Như vậy, NLĐ và NSDLĐ chỉ được ký kết thêm hợp đồng lao động xác định thời hạn trong trường hợp hợp đồng lao động xác định thời hạn cũ là hợp đồng xác định thời hạn đầu tiên được ký kết giữa hai bên.
NLĐ và NSDLĐ chỉ được ký thêm 01 lần hợp đồng lao động xác định thời hạn sau khi hợp đồng lao động xác định đầu tiên hết thời hạn, nếu hợp đồng lao động được ký kết lần thứ hai hết thời hạn thì ở lần ký kết tiếp theo, NLĐ và NSDLĐ bắt buộc phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ngoại trừ các trường hợp được tiếp tục ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần sau đây:
- Hợp đồng lao động được ký kết với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước
- Hợp đồng lao động được ký kết với người cao tuổi
- Hợp đồng lao động được ký kết với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Tổng kết lại, NLĐ không phải nghỉ việc khi hợp đồng lao động hết thời hạn. NLĐ chỉ cần thông báo cho NSDLĐ biết về thời hạn của hợp đồng lao động đã hết để tiến hành ký kết hợp đồng lao động mới mà thôi.