Đăng ký giấy khai sinh cho con là một trong những thủ tục bắt buộc mà bố mẹ cần phải làm sau khi đứa trẻ được sinh ra. Bởi vì khi làm đúng thời gian quy định sẽ giúp bảo vệ những quyền lợi chính đáng của trẻ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, có trường hợp với lý do kinh tế hoặc thiếu hiểu biết pháp luật mà bố mẹ hoặc người thân không thể đăng ký khai sinh cho con trẻ đúng hạn.
Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch 2014. Điều 15 Luật này quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh như sau:
“Điều 15. Trách nhiệm đăng ký khai sinh
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
2. Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.”
|
Trong trường hợp nếu con bạn đã quá thời hạn đăng ký nhưng bạn chưa đăng ký khai sinh cho con thì thuộc trường hợp vi phạm quy định về đăng ký khai sinh. Điều 27 Nghị định số 110/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh như sau:
“Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh
1. Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định.
2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm chứng sai sự thật về việc sinh;
b) Cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh;
c) Sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3, Khoản 4 Điều này.”
|
Như vậy, căn cứ quy định như trên, việc bạn đăng kí khai sinh quá hạn cho con có thể bị phạt cảnh cáo, bị phạt tiền. Còn về thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn được thực hiện tương tự như thủ tục đăng ký khai sinh đúng hạn quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014.
Trên thực tế, hiện nay các trường hợp đăng ký khai sinh muộn cũng đã giảm được tối thiểu nhờ công tác phổ cập pháp luật, chỉ còn tồn tại ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng cao.