HĐTP TANDTC hướng dẫn chi tiết các trường hợp vợ/chồng được đơn phương ly hôn

Chủ đề   RSS   
  • #611917 24/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 542 lần
    SMod

    HĐTP TANDTC hướng dẫn chi tiết các trường hợp vợ/chồng được đơn phương ly hôn

    Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong đó có hướng dẫn chi tiết các trường hợp vợ/chồng được đơn phương ly hôn.

    Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 24/4/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/01-2024-NQ-HNGD.pdf

    Ai được quyền yêu cầu đơn phương ly hôn?

    Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì các đối tượng sau đây có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:

    - Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

    - Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

    - Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    Như vậy, pháp luật hiện nay quy định chung các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn thuận tình và đơn phương ly hôn. Theo đó, nếu thuộc trường hợp được đơn phương ly hôn thì các đối tượng trên sẽ có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn.

    Khi nào vợ/chồng được đơn phương ly hôn

    Ly hôn theo yêu cầu của một bên được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

    - Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

    -Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

    - Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

    Như vậy, nếu thuộc một trong những trường hợp trên thì vợ/chồng được quyền đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, trường hợp bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được trước đây chưa có quy định cụ thể là như thế nào. 

    Ngày 24/4/2024 Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC) đã thông qua Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Tại đây, HĐTP TANDTC đã có hướng dẫn chi tiết trường hợp trên.

    Hướng dẫn chi tiết các trường hợp vợ/chồng được đơn phương ly hôn

    Theo Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn về ly hôn theo yêu cầu của một bên quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

    - "Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình" là vợ, chồng có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

    Cụ thể khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định những hành vi sau đây là hành vi bạo lực gia đình:

    + Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

    + Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

    + Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

    + Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

    + Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

    + Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

    + Giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

    + Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

    + Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

    + Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

    +Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

    + Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

    + Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;

    + Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;

    + Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

    + Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

    - “Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia.

    Ví dụ: Vợ, chồng phá tán tài sản gia đình.

    - “Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    + Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;

    + Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;

    + Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau;

    + Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.

    Theo đó, HĐTP TANDTC đã có hướng dẫn chi tiết về các trường hợp vợ/chồng được quyền đơn phương ly hôn. Người đọc có thể tham khảo để áp dụng vào trường hợp của mình.

    Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 24/4/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/01-2024-NQ-HNGD.pdf

     
    1101 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (31/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận