Bạn đang ngồi chờ đợi hay đang cần kết nối Internet để liên lạc, check mail, gọi Grab, mua đồ ăn,…nhưng điện thoại lại không có 3G, không có kết nối wi-fi. Lúc này, có lẽ vui sướng nhất đó là kết nối wifi công cộng miễn phí, hay giới trẻ hay gọi đùa là wifi “chùa”. Nhưng bạn hãy cẩn thận, cái gì miễn phí chưa chắc là tốt, nó luôn tiềm ẩn những rủi ro mà bạn không ngờ tới.
Trước tiên, những thông tin cá nhân của bạn có thể bị ăn cắp, đặc biệt là các thông tin về tài khoản ngân hàng trực tuyến hoặc thông tin tài chính của bạn.
Tiếp đó, tin tặc có thể phát tán các phần mềm độc hại và virus vào máy bạn. Những phần mềm này có thể tự động tải xuống máy bạn và tin tặc tha hồ nắm bắt thông tin trên thiết bị của bạn.
Một kiểu tấn công phổ biến nhất của hacker đó là theo dõi và can thiệp vào dữ liệu kết nối vào – ra trên thiết bị sử dụng wifi công cộng miễn phí. Nó còn dẫn người dùng đến các link web độc hại để ăn cắp thông tin và dữ liệu. Do đó, bạn không nên dùng wifi không có mật khẩu cũng như gửi dữ liệu, thông tin chưa mã hóa ra ngoài, để tránh rủi ro về an ninh bảo mật.
Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Vậy trong trường hợp này thì những kẻ “tin tặc”, hacker sẽ bị xử lý thế nào?
Thứ nhất là xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác có thể bị xử lý theo Điều 125 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Thứ hai là dùng các thông tin cá nhân lấy cắp được trên điện thoại nhằm mục đích để thanh toán mua hàng trực tuyến, rút tiền trong tài khoản người khác... nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý tương ứng theo Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với hình phạt tù có thể lên tới 20 năm.