Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn tới luật sư Nguyễn Thạch Thảo. Về trường hợp của bạn, luật sư Nguyễn Thạch Thảo xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất, Bộ luật lao động quy định về kỳ trả lương tại Điều 95 như sau:
“1. Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
2. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng”.
Tuy nhiên, việc trả lương phải tuân thủ theo nguyên tắc sau: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”.
Như vậy, Bộ luật lao động quy định theo hướng người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả lương đúng hạn; nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể trả chậm không quá 01 tháng. Mặt khác, việc trả lương cho người lao động tùy thuộc vào điều kiện của người sử dụng lao động, cho nên không thể nói trường hợp của bạn là có dấu hiệu lừa đảo.
Thứ hai, về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm trả tiền lương.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 95/2013 NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động và bảo hiểm xã hội thì hành vi trả tiền lương không đúng thời hạn sẽ bị xử phạt hành chính với các mức như sau:
“a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.
Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Khoản 6 Điều 13 Nghị định 95/2013 NĐ-CP như sau:
“a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;
b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này”.
Trân trọng!
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo.
LUẬT SƯ NGUYỄN THẠCH THẢO - ĐÒAN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN THẠCH THẢO
ĐC: 4/63 - QUANG TRUNG - PHƯỜNG 10 - QUẬN GÒ VẤP - TP.HCM ( Cách Ngã 6 Gò Vấp 100m. Hẽm đầu tiên bên phải)
ĐTDĐ: 0989046966
ĐTVP: (08).38940903
EMAIL: lsthachthao@yahoo.com
TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TIẾP TẠI VP HOẶC QUA ĐIỆN THOẠI THƯỜNG XUYÊN : Từ Thứ 2 - Chủ nhật vào lúc: 08h - 21h mỗi ngày
1. Email: lsthachthao@yahoo.com.
2. ĐIỆN THOẠI TƯ VẤN: 0989 046 966