Bạn có thắc mắc về chiều rộng của hành lang an toàn đường ray xe lửa? Hậu quả khi vi phạm lấn chiếm hành lang xe lửa là gì? Cùng tìm hiểu để bảo vệ bản thân và cộng đồng nhé
(1) Hành lang an toàn đường ray xe lửa rộng bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2018/NĐ-CP, có thể hiểu hành lang an toàn đường sắt là một khoảng đất trống bao bọc xung quanh đường ray, khoảng trống này có ý nghĩa bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông đường bộ khác.
Theo đó, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định như sau:
- Đường sắt tốc độ cao:
+ Khu vực đô thị: 05 mét
+ Ngoài khu vực đô thị: 15 mét.
- Đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại: 03 mét.
Bên cạnh đó, đối với đường sắt tốc độ cao, phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép.
(căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 56/2018/NĐ-CP)
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và đảm bảo an toàn cho những người sinh sống gần đường ray, các đường ray xe lửa ở Việt Nam khi xây dựng bắt buộc phải có hành lang an toàn theo chiều rộng được quy định ở trên.
(2) Lấn chiếm đường ray bị phạt thế nào?
Theo khoản 2 Điều 9 Luật đường sắt 2017, hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Theo đó, hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt là các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Cụ thể, Điều 53 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường sắt như sau:
Mức phạt
|
Lỗi vi phạm
|
- Cảnh cáo
- 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân
- 600.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với tổ chức
Biện pháp khắc phục: Buộc phải hạ độ cao của cây trồng có chiều cao vượt quá quy định, di dời cây trồng không đúng quy định hoặc có ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt.
|
- Trồng cây trái phép trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị
- Trồng cây cao trên 1,5 m hoặc trồng cây dưới 1,5 m nhưng ảnh hưởng đến an toàn, ổn định công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt trong quá trình khai thác
- Trồng cây che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng
- Chăn thả súc vật, mua bán hàng hóa, họp chợ trên đường sắt, trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt.
|
- 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân
- 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức
Biện pháp khắc phục: Khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra
|
Sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt vào mục đích canh tác nông nghiệp làm sạt lở, lún, nứt, hư hỏng công trình đường sắt, cản trở giao thông đường sắt.
|
- 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân
- 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức
Biện pháp khắc phục:
- Buộc đưa phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, chất phế thải, các vật phẩm khác (để trái phép) ra khỏi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt
- Buộc phải tháo dỡ, di chuyển lều, quán dựng trái phép ra khỏi phạm vi đất dành cho đường sắt;
- Buộc phải tháo dỡ, di chuyển biển quảng cáo, các biển chỉ dẫn hoặc các vật che chắn khác (đặt trái phép) ra khỏi phạm vi đất dành cho đường sắt;
- Buộc phải tháo dỡ, di chuyển các công trình, nhà ở, lều, quán gây trở ngại cho việc xây dựng, cải tạo, mở rộng và bảo đảm an toàn công trình đường sắt.
|
- Để phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, chất phế thải hoặc các vật phẩm khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt hoặc trong khu vực ga, đề-pô, nhà ga đường sắt;
- Dựng lều, quán trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt;
- Đặt, treo biển quảng cáo, biển chỉ dẫn hoặc các vật che chắn khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt;
- Di chuyển chậm trễ các công trình, nhà ở, lều, quán hoặc cố
tình trì hoãn việc di chuyển gây trở ngại cho việc xây dựng, cải tạo, mở rộng và bảo đảm an toàn công trình đường sắt khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
|
- 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân
- 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức
Biện pháp khắc phục: Buộc phải tháo dỡ, di chuyển nhà, công trình, biển quảng cáo hoặc các biển chỉ dẫn xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng giấy phép) ra khỏi phạm vi đất dành cho đường sắt.
|
- Xây dựng nhà, công trình khác (bao gồm cả công trình phục vụ quốc phòng, an ninh) trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: điểm b, điểm c khoản 3 Điều 53; điểm d khoản 4 Điều 51 Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
- Dựng biển quảng cáo hoặc các biển chỉ dẫn khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
|
Trên đây là các hành vi và mức xử phạt vi phạm lấn chiếm phạm vi đất dành cho đường sắt.
Giữ an toàn đường sắt là trách nhiệm của mỗi cá nhân và tập thể. Mỗi hành động tuân thủ quy định đều góp phần bảo vệ cuộc sống và xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Hãy chung tay giữ gìn hành lang đường ray an toàn - Vì an toàn của chính bạn và cộng đồng!