Hàng xóm khiếu nại xây tường rào phải vạt góc

Chủ đề   RSS   
  • #282012 19/08/2013

    Hàng xóm khiếu nại xây tường rào phải vạt góc

    Chào luật sư,

    Xin cho tôi hỏi về trường hợp của nhà tôi như sau. Tôi mua căn nhà ở Q12 đã hoàn công theo giấy phép xây dựng cấp năm 2010. Diện tích đất tổng cộng: 94,6m2 trong đó 54m2 đã lên thổ cư và 40,6m2 là đất nông nghiệp. Giấy phép xây dựng cho xây nhà 1 trệt, 1 lầu trong khuôn viên 54m2 đã lên đất ở, phần diện tích còn lại thuộc lộ giới tương lai nên không được xây dựng nhà ở.

    Nhà nằm ở ngã ba hẻm (1 mặt là hẻm đất 4,5m giao với đường lộ, 1 mặt là hẻm ximăng 5m do dân tự làm). Theo quy định về vạt góc với nhà nằm trong lộ giới và ở ngã ba (QD45-2009-UBNDTPHCM), góc cắt nhau với lộ giới từ 80-110độ + hẻm lộ giới >=4m và <12m giao với hẻm lộ giới >=4m và <12m, sẽ phải vạt góc bằng 50% kích thước vạt 4mx4m thành 2mx2m. Trong giấy phép xây dựng do UBND Quận 12 cấp 2010, thể hiện rõ phần chỉ giới xây dựng trong diện tích đất ở 54m2 đã vạt góc 2mx2m theo quy định của nhà nước. Và nhà tôi mua đã xây dựng đúng theo giấy phép được cấp, vạt góc sẵn 2mx2m, bên UBND Quận 12 cũng đã xuống đo vẽ để làm bản vẽ hiện trạng đất và nhà, xác nhận nhà xây đúng giấy phép không vi phạm.

    Khi nhận bàn giao nhà, tôi tiến hành sơn phết lại thì phát hiện tường rào cũ xuống cấp, có hiện tượng gãy đổ có thể gây nguy hiểm cho người trong nhà và người đi đường nên quyết định cải tạo lại tường rào theo hiện trạng cũ (không xây mới toàn bộ). Đến thời điểm này tôi phát hiện chủ nhà cũ đo đạc và xây tường rào không đúng diện tích đất, bị thụt gần 2m ngang so với sổ đỏ nên tôi tiến hành xây phần tường rào bị thiếu để xác lập ranh giới đất đúng chủ quyền thể hiện trên sổ (thực tế tôi xây vẫn thụt vào 0,5m so với chiều dài đất trên sổ). Sau khi xây dựng xong, thì có một vài nhà trong xóm không biết vì ma cũ ăn hiếp ma mới, hay đã quen với hiện trạng chủ cũ đo đạc sai tự xây lùi vào trong mà nói nhà tôi xây lấn đất, làm chắn tầm nhìn và gọi thanh tra xây dựng trên uỷ ban phường xuống.

    Khi cán bộ trên phường xuống, kiểm tra giấy phép (không hề thể hiện phần tường rào phải xây vạt góc, chỉ có nhà trong chỉ giới xây dựng phải vạt 2mx2m) và sổ đỏ đất nhà tôi, lấy thước đo lại tường rào bao quanh đều thấy phần tường rào nằm hoàn toàn trong diện tích đất đã được nhà nước công nhận và cấp giấy chủ quyền, thậm chỉ bề ngang còn thiếu 0,5m so với sổ. Lúc này cán bộ phường giải thích rất nhiều cho các bậc lão làng trong xóm, đặc biệt là tổ trưởng người đứng ra khiếu nại trực tiếp là nhà tôi xây đúng phép, phần tường rào chỉ là công trình tạm và nhà tôi được phép xây trên khuôn viết đất của mình không phải vạt góc gì cả, sau này khi nhà nước làm đường và tiến hành đền bù thì nhà tôi mới phải tháo dỡ phần tường rào hiện nay. Mà nếu đã làm đường thì không chỉ nhà tôi mà tất cả các nhà trong khu đó đều phải tháo dỡ tất cả vì cùng nằm trong lộ giới quy hoạch.

    Sau hôm đó tưởng mọi chuyện đã êm xuôi vì cán bộ phường đã giải thích rất rõ ràng, nhưng một vài ma cũ vẫn ấm ức vì nhà người khác được rộng ra phần sân đúng theo chủ quyền mà họ phải được có, nên đang bàn nhau cùng viết đơn khiếu nại bắt nhà tôi phải dỡ bỏ phần tường rào sau này và để lại như cũ. Phía trong có 2 căn nhà cũng ở ngã ba như nhà tôi nhưng họ ở đó đã lâu, cũng xây tường rào vuông vức theo diện tích đất của họ chẳng vạt góc gì cả thì không ai có ý kiến, ma mới về thì dùng kiểu phép vua thua lệ làng.

    Theo ý kiến của Luật sư thì việc này sẽ giải quyết thế nào, tôi có đọc một bài viết rất hay của luật sư Phan Thanh Thy:"Quyền của chủ sở hữu bất động sản đối với toàn bộ diện tích đã được Nhà nước công nhận. Không ai có quyền cản trở quyền xây dựng đúng nội dung giấy phép đã được cơ quan chức năng cấp. Thường trong thực tế xã hội, người láng giềng hay có những hành vi gọi là kỳ cục khi thấy nhà hàng xóm xây dựng nhà mới. Đấy là sự ích kỷ và ganh tỵ. Nên dù không có xâm phạm quyền lợi của họ, họ vẫn khiếu nại lung tung. Khốn nỗi, cơ quan giải quyết vẫn ưỡm ờ cho qua chuyện, nhưng không dứt khoát (Vì tâm lý e ngại). Bạn nên đo lại chiều dài nhà để xác định mình có lấn chiếm phần bức tường đó hay không. Nếu không lấn chếm. Bạn không nên nhượng bộ. Vì sự nhượng bộ luôn thiệt thòi và bị xâm hại quyền lợi (diện tích nhà bị giảm).. Từ đó, "được dằng chân lân đằng đầu". Không ai bảo đảm họ không tiếp tục khiếu nại nữa. Theo kinh nghiệm của tôi. Bạn nên lựa lời nói với người khiếu nại. Nói nhẹ nhàng, song kiên định. Khi bạn không sai trái. Người đó có thể sẽ tiếp tục khiếu nại. Cơ quan chức năng sẽ tìm cách từ chối giải quyết. Vì việc giải quyết khiếu nại không đúng pháp luật gây hậu quả có thể bị bồi thường. Người giải quyết bị kỷ luật. Thường cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo khởi kiện tại Tòa án. Khi đó, họ mới chấm dứt việc khiếu nại. Khiếu nại không phải đóng tiền, chỉ cần cái đơn vớ vẩn. Khác với Tòa án phải đóng án phí. Bạn cũng nên đề nghị cán bộ thụ lý khiếu nại nói với người khiếu nại ý này. Chúc bạn thành công. Thân ái Ls. Phan Thanh Thy Văn phòng luật sư Hữu Luật 527 Điện Biên Phủ, P.3, Q.3, Tp.HCM ls.thanhthy@gmail.com"

    http://danluat.thuvienphapluat.vn/hang-xom-thua-lam-sao-nhanh-chong-xay-nha-30678.aspx

    Cập nhật bởi huytt1099 ngày 19/08/2013 10:13:57 CH Bỏ in đậm
     
    11193 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận