Hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy thì có phải xuất hóa đơn không?

Chủ đề   RSS   
  • #608992 01/03/2024

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (446)
    Số điểm: 4249
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 82 lần


    Hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy thì có phải xuất hóa đơn không?

    Đối với hàng hóa sau khi bán buôn cho các cửa hàng bán lẻ bị xì, xẹp thì sẽ bị tiêu hủy. Khi đem đi tiêu hủy thì có cần phải lập hóa đơn không hay chỉ cần lập biên bản tiêu hủy là được? 

    Trường hợp 1: Hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng do doanh nghiệp bán hàng thu hồi về và tiêu hủy

    Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau: 

    Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP. 

    => Theo đó có thể hiểu đối với các trường hợp có phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa thì cần phải xuất hóa đơn. 

    Nếu người bán phải thu hồi lại các hàng hóa bị xì, xẹp từ các cửa hàng bán lẻ, sau đó người bán tiến hành tiêu hủy số hàng hóa của mình thì sẽ không cần phải xuất hóa đơn cho số hàng bị tiêu hủy. 

    Việc doanh nghiệp tự tiêu hủy hàng hóa của mình thì không phải là phát sinh hoạt động mua bán, đây là hoạt động nội bộ của doanh nghiệp nên doanh nghiệp không cần phải xuất hóa đơn, khi tiêu hủy thì sẽ lập biên bản tiêu hủy. 

    Ngoài ra, khi người bán thu hồi lại hàng hóa từ các cửa hàng bán lẻ, theo hướng dẫn của Công văn 4511/TCT-CS năm 2023, người bán sẽ lập hóa đơn điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập và gửi lại cho các cửa hàng bán lẻ. 

    Trường hợp 2: Hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng do cửa hàng bán lẻ tiêu hủy 

    Trường hợp các cửa hàng bán lẻ có hàng hóa bị mất phẩm chất, không trả lại cho doanh nghiệp cung cấp, cửa hàng tự tiêu hủy số hàng này thì cửa hàng sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và tính chi phí được trừ thuế TNDN. Trường hợp này doanh nghiệp hay cửa hàng bán lẻ cũng không phải xuất hóa đơn đối với hàng tiêu hủy vì việc tiêu hủy hàng hóa không phát sinh hoạt động mua bán. 

    Cửa hàng bán lẻ cần có hóa đơn GTGT của hàng hóa mua vào, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa từ hai mươi triệu đồng trở lên, biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng để được khấu trừ và tính chi phí hợp lý. 

    - Quy định về khấu trừ thuế GTGT

    Tại Khoản 1 Điều 14 của Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:

    + Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.

    + Các trường hợp tổn thất không được bồi thường được khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm: thiên tai, hỏa hoạn, các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường, hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy. Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường để khấu trừ thuế.

    Tại Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau: 

    + Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

    + Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

    - Quy định về chi phí được trừ thuế TNDN

    Tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

    Trừ các khoản chi không được trừ nêu bên dưới, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    + Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

    + Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

    + Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

    Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

    + Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện như trên.

    Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau:

    Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.

    Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    + Đối với Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

    Hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ như sau:

    (1) Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.

    Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa hư hỏng phải xác định rõ giá trị hàng hóa bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng; chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có) kèm theo bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị hư hỏng có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    (2) Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

    (3) Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

    Như vậy, hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy thì không cần phải xuất hóa đơn. Tuy nhiên cần phải xác định người tiêu hủy là theo các trường hợp trên để thực hiện theo quy định.

     
    1711 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận