HÀNG HOÁ GIẢ MẠO HAY HÀNG HÓA XÂM PHẠM QUYỀN NHÃN HIỆU ?

Chủ đề   RSS   
  • #301309 07/12/2013

    luatnvs1

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/11/2013
    Tổng số bài viết (114)
    Số điểm: 1141
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 18 lần


    HÀNG HOÁ GIẢ MẠO HAY HÀNG HÓA XÂM PHẠM QUYỀN NHÃN HIỆU ?

     

    Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hai thanh niên đang vận chuyển 240 micro mang nhãn hiệu Yamaha vào ngày 1.11.2006. Lần theo hai người này phát hiện thêm 1.640 micro khác cũng mang nhãn hiệu Yamaha tại cửa hàng HT.

    Đại diện cửa hàng HT cho biết đã mua hơn 1.880 micro trên tại chợ Nhật Tảo. Hóa đơn ghi rõ của chi nhánh Công ty HT xuất bán 2.000 micro với giá 15.200 đồng /cái.

    Đại diện SHCN của Công ty Yamaha (chủ sở hữu nhãn hiệu Yamaha) xác nhận toàn bộ số hàng trên mang dấu hiệu trùng hoàn toàn với nhãn hiệu Yamaha đang được bảo hộ tại Việt Nam. Số micro này không phải do Yamaha đưa ra thị trường, vì công ty này đã ngừng sản xuất mặt hàng micro từ 15 năm nay. Xem xét nhận thấy là 1.880 sản phẩm này đều được làm khá tinh vi, nhãn hiệu và logo Yamaha được in trực tiếp lên sản phẩm nên người tiêu dùng sẽ bị nhầm lẫn.

     
     
    Lời bình
     
    1. Luật SHTT xác định, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá có gắn dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) đang được bảo hộ sử dụng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu (hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý).
     
    Như vậy, để kết luận một sản phẩm, hàng hoá nào đó là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) thì phải đồng thời đáp ứng hai điều kiện: 1 – Nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) đang được bảo hộ và 2 – Mặt hàng gắn nhãn hiệu, dấu hiệu đó trùng với mặt hàng mà chủ sở hữu nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) gắn nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) đang được bảo hộ. Nói cách khác, để có thể kết luận hàng hoá giả mạo nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) cần phải có mặt hàng thật cùng loại để so sánh.
     
    Tuy nhiên, tại thời điểm phát hiện và tạm giữ số micro nói trên, Công ty Yamaha đã ngừng sản xuất loại sản phẩm này từ cách đây 15 năm nên trên thị trường Việt Nam không có sản phẩm thật, cùng loại mang nhãn hiệu Yamaha. Trong trường hợp này, điều kiện thứ 2 đã không được đáp ứng, nên không thể kết luận số micro nói trên là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu của Công ty Yamaha. Vì vậy, không thể xử lý Công ty HT, cửa hàng HT vì có hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.
     
    2. Công ty Yamaha là chủ sở hữu nhãn hiệu Yamaha đăng ký bảo hộ cho nhóm hàng hoá trong đó có micro và sự bảo hộ này vẫn đang trong thời hạn hiệu lực cho dù Yamaha đã không còn sản xuất sản phẩm cụ thể là micro mang nhãn hiệu này. Vì vậy, chỉ có thể kết luận các micro mang nhãn hiệu Yamaha bị phát hiện là hàng hoá xâm phạm quyền. Công ty HT, cửa hàng HT và hai cá nhân này có hành vi vận chuyển, buôn bán hàng hoá xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Yamaha.
     
    Tuy nhiên, tại thời điểm phát hiện hành vi nói trên (ngày 1.11.2006), Luật SHTT, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật và Nghị định số 106/2006/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về SHCN đã có hiệu lực thi hành. Theo đó, hành vi xâm phạm quyền SHCN chỉ bị xử phạt hành chính khi tổ chức, cá nhân có hành vi đó không chấm dứt trong thời hạn hợp lý, mặc dù chủ sở hữu quyền đã cảnh báo, yêu cầu (khoản 2 Điều 211 Luật SHTT). Trong trường hợp này, đại diện SHTT của Công ty Yamaha chưa có hành động cảnh báo, đưa ra thời hạn hợp lý để các cơ sở đó chấm dứt hành vi buôn bán. Vì vậy chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định để có thể xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển, buôn bán số micro này.
     
     
     
     
     
     
    13819 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #301301   07/12/2013

    luatnvs1
    luatnvs1

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/11/2013
    Tổng số bài viết (114)
    Số điểm: 1141
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 18 lần


    ÁP DỤNG LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ: CÔNG TY VÀ NHÀ HÀNG, AI LÀ “PHỐ HỘI”?

     

    Ngày 7.11.1995, Khách sạn mini Phố Hội do ông H.N.T làm chủ, được Cục SHCN (nay là Cục SHTT) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với tên gọi Mini Hotel Phố Hội, có hiệu lực đến ngày 17.1.2005. Tháng 11.2000, ông T làm thủ tục đăng ký thành lập Công ty TNHH Dịch vụ – Du lịch sinh thái Phố Hội (Công ty Phố Hội), Hội An và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đầu năm 2005, Công ty Phố Hội tiếp tục làm thủ tục xin phép gia hạn và sửa đổi nhãn hiệu. Trên cơ sở này, ngày 4.3.2005, Cục SHTT chấp thuận nội dung sửa đổi với nhãn hiệu mới là “Công ty TNHH Dịch vụ – Du lịch sinh thái Phố Hội”, đồng thời gia hạn đến ngày 17.1.2015.

    Từ năm 1993, tại số 69 Phan Châu Trinh, Hội An, bà L.T.V đã mở quán cơm bình dân với tên gọi Quán ăn Phố Hội. Đến năm 1999, bà V làm thủ tục đăng ký và được cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Theo quy định thì bà V phải treo bảng hiệu là DNTN “Phố Hội” tại các cơ sở kinh doanh đã được cấp phép, nhưng bà lại treo bảng hiệu “NHà HàNG PHố HộI II” tại số 38 Nhị Trưng B và “PHố HộI RESTAURANT” tại số 69 Phan Châu Trinh, cùng ở Hội An.

    Mọi rắc rối về nhãn hiệu bắt đầu nảy sinh từ đây. Trong đó, đáng chú ý là ở cả hai bảng hiệu nêu trên, chữ “Phố Hội” đều có cách trình bày giống như chữ “PHố HộI” của Công ty Phố Hội – đã được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Từ việc sử dụng trùng về dấu hiệu “Phố Hội”, nên ông T cho rằng, bà V đã vi phạm nhãn hiệu được Nhà nước bảo hộ của mình.

     

    Vì vậy, ông T đã có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng của thành phố Hội An đề nghị giải quyết. Trên cơ sở khiếu nại của ông T, Thanh tra thành phố Hội An đã tiến hành kiểm tra và có kết luận: Bảng hiệu do DNTN Phố Hội trưng bày là vi phạm quyền SHCN của Công ty Phố Hội. Đồng thời, yêu cầu DNTN Phố Hội phải sửa đổi bảng hiệu để tránh gây thiệt hại cho Công ty Phố Hội. Thế nhưng, DNTN Phố Hội đã không thực hiện yêu cầu này.

    Ngày 21.8.2006, UBND thành phố Hội An tổ chức cuộc họp với đại diện các cơ quan chức năng và hai doanh nghiệp liên quan đến vụ tranh chấp nhãn hiệu. Tại đây, UBND thành phố thống nhất cho phép Nhà hàng Phố Hội II được đăng ký nhãn hiệu “Phố Hội – Lê Bá Truyền’’ và yêu cầu bà V trong vòng 15 ngày phải hoàn tất thủ tục thay đổi nhãn hiệu trình Sở KH&CN xem xét, thẩm định. Sau đó, bà V hạ bảng hiệu cũ và treo bảng hiệu khác với tên: “NHà HàNG PHố HộI II Lê Bá TRUYềN” tại số 38 Nhị Trưng B, trong khi vẫn giữ nguyên bảng hiệu “PHố HộI RESTAURANT’ tại số 69 Phan Châu Trinh. Đến đây, ông T vẫn không hài lòng và tiếp tục khiếu kiện, đưa vụ việc ra tòa.

    Tại phiên sơ thẩm do Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam mở ngày 14.3.2007, ông Lê Bá Truyền – đại diện cho DNTN Phố Hội thừa nhận, do không hiểu biết pháp luật cặn kẽ nên dẫn đến việc sử dụng nhãn hiệu Phố Hội trong khi đã có doanh nghiệp khác đăng ký độc quyền. Đồng thời, ông Truyền cũng chấp nhận bồi thường thiệt hại về kinh tế, nếu ông T có chứng từ hợp pháp. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử lại căn cứ vào biên bản cuộc họp ngày 21.8.2006 cho rằng, ông T – người đại diện pháp nhân cho Công ty Phố Hội đồng ý cho DNTN Phố Hội được sử dụng nhãn hiệu “Phố Hội” nên ra phán quyết cho DNTN Phố Hội tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu “Phố Hội – Lê Bá Truyền”. Dĩ nhiên, phán quyết này không thỏa mãn yêu cầu của Công ty Phố Hội, nên ông T cho biết, sẽ tiếp tục khiếu nại.

     

    Lời bình

    1. Trước hết cần phải khẳng định dấu hiệu Phố Hội đã được Cục SHTT xác lập quyền cho Công ty Phố Hội từ tháng 11.1995. Công ty này có thay đổi loại hình doanh nghiệp và tiếp tục được xác lập quyền cho đến năm 2015. Như vậy, Công ty có quyền sử dụng dấu hiệu này và ngăn cấm người khác sử dụng dấu hiệu đã được bảo hộ của mình. Trong khi đó năm 1993, bà V đã mở quán cơm bình dân với tên gọi Quán ăn Phố Hội. Tuy nhiên, bà V không đăng ký để xác lập quyền đối với dấu hiệu Phố Hội để làm nhãn hiệu dịch vụ cho cơ sở của mình.

    Theo nguyên tắc xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, Cục SHTT sẽ ưu tiên cấp chứng nhận cho tổ chức/cá nhân nào đăng ký trước. Chính vì vậy, trong trường hợp này Công ty Phố Hội nộp đơn trước nên đã được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Phố Hội.

    Nếu thực sự bà V đã sử dụng dấu hiệu Phố Hội cho cơ sở của mình từ năm 1993, trước ngày Công ty Phố Hội nộp đơn thì bà V có quyền đề nghị Cục SHTT xem xét.

    2. Khi sự việc Công ty và DNTN cùng sử dụng dấu hiệu Phố Hội trên biển hiệu của mình, gây nên sự nhầm lẫn cho khách hàng, chủ thể quyền (trong trường hợp này là Công ty Phố Hội) có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hội An xử lý hành vi xâm phạm quyền của DNTN Phố Hội đối với nhãn hiệu dịch vụ của mình. Trong trường hợp này, các cơ quan đó là: 1) Thanh tra Sở KH&CN có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính về SHCN xảy ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác, quảng cáo, lưu thông, trừ hành vi xảy ra trong xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; 2) Chi cục Quản lý thị trường – có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHCN xảy ra trong lưu thông hàng hóa và kinh doanh thương mại trên thị trường.

    UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Hội An có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHCN xảy ra tại địa phương mà mức phạt, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý áp dụng đối với hành vi đó vượt quá thẩm quyền của Thanh tra Sở KH&CN và Chi cục Quản lý thị trường. Như vậy, UBND không trực tiếp thụ lý các đơn tố cáo và yêu cầu xử lý xâm phạm quyền.

    Như vậy, Thanh tra thành phố Hội An thụ lý, giải quyết và kết luận về nội dung đơn của Công ty Phố Hội tố cáo hành vi xâm phạm quyền của DNTN Phố Hội là chưa phù hợp với chức năng của mình.

    3. Chính vì Thanh tra thành phố tiến hành giải quyết nên đã áp dụng quy trình giải quyết không phù hợp. Đó là tổ chức cuc họp do UBND thành phố Hội An chủ trì. Tại đây, UBND cho phép Nhà hàng Phố Hội II được đăng ký nhãn hiệu “Phố Hội – Lê Bá Truyền’’, và yêu cầu bà V trong vòng 15 ngày phải hoàn tất thủ tục thay đổi nhãn hiệu trình Sở KH&CN xem xét, thẩm định.

    Luật SHTT và các văn bản kèm theo đã quy định rõ việc xâm phạm hay không xâm phạm các đối tượng SHCN là do các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Việc sử dụng nhãn hiệu là quyền của tổ chức/cá nhân và họ đăng ký với Cục SHTT. Nếu đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về nhãn hiệu thì Cục cấp giấy chứng nhận. Pháp luật về SHTT không giao cho UBND các cấp quyền cho phép tổ chức/cá nhân được sử dụng dấu hiệu này hay dấu hiệu khác làm nhãn hiệu cho hàng hoá hay dịch vụ của mình.

    Đối chiếu với các quy định của pháp luật SHTT, UBND thành phố Hội An cho phép bà V được sử dụng nhãn hiệu “Phố Hội – Lê Bá Truyền’’ mà không được sự chấp nhận của Công ty Phố Hội là không phù hợp. Đây là vụ xâm phạm quyền, tranh chấp sử dụng các dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu giữa Công ty Phố Hội và DNTN Phố Hội. Vì vậy, hai bên có quyền tự thỏa thuận với nhau và không được trái pháp luật. Trong đó, Công ty Phố Hội đang được Nhà nước bảo hộ nhãn hiệu có quyền tự bảo vệ hoặc yêu các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.

    4. Vụ việc này phải dẫn đến phiên tòa sơ thẩm của Tòa án tỉnh và có thể còn phải đến phiên phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao. Nguyên nhân là do Công ty Phố Hội chưa nắm vững các quy định của Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn nên gửi đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền không đúng địa chỉ. Cơ quan nhận đơn của Công ty cũng chưa quán triệt Luật SHTT nên thụ lý đơn không đúng chức năng và tham mưu cho UBND thành phố Hội An giải quyết không đúng quy định của Luật.

    Từ các vấn đề trên cho thấy, việc nâng cao nhận thức pháp luật về SHTT cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước là rất cần thiết.

     

     
    Báo quản trị |  
  • #397327   22/08/2015

    TrustingAI
    TrustingAI

    Mầm

    Đăk Lăk, Việt Nam
    Tham gia:11/11/2014
    Tổng số bài viết (54)
    Số điểm: 675
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 7 lần


    Như thế nào là hàng giả, hàng nhái. Em đang phân vân lắm ạ. Các bác giúp em với

     
    Báo quản trị |