Thực hiện việc góp vốn thành lập công ty con như thế nào? Khi góp vốn thành lập công ty con có phát sinh thuế gì không?
Thực hiện việc góp vốn thành lập công ty con như thế nào?
Đối với phần tài sản góp vốn vào công ty con, đơn vị thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 34, 35, 36 Luật doanh nghiệp 2020:
Đối với tài sản góp vốn:
Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Về định giá tài sản góp vốn:
- Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
- Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm - góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Về chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn:
- Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
+ Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
+ Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.
- Biên bản giao nhận tài sản góp vốn phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, số giấy tờ pháp lý của tổ chức của người góp vốn;
+ Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;
+ Ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.
- Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
Chính sách thuế khi góp vốn thành lập doanh nghiệp như thế nào?
Đối với bên góp vốn:
Theo Công văn 55952/CT-TTHT năm 2019 về chính sách thuế khi góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê để thành lập doanh nghiệp do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- Về thuế GTGT: Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
- Về lệ phí trước bạ: Tài sản góp vốn của công ty nếu đã nộp lệ phí trước bạ, sau đó công ty đem tài sản này góp vốn vào doanh nghiệp khác, khi doanh nghiệp khác đăng ký quyền sở hữu, sử dụng theo quy định của pháp luật thì thuộc trường hợp được miễn nộp lệ phí trước bạ theo quy định tại Điểm a Khoản 17 Điều 9 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ.
- Về thuế TNDN: Trường hợp Công ty có phát sinh chênh lệch do đánh giá lại tài sản để góp vốn thì hạch toán khoản chênh lệch này vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.
Đối với bên nhận vốn góp:
Theo Công văn 32670/CTHN-TTHT năm 2022 về chính sách thuế liên quan đến việc góp vốn, nhận góp vốn do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành hướng dẫn:
Công ty thực hiện tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới theo quy định của pháp luật mà tài sản sau góp vốn xác định là thuộc sở hữu của Công ty, bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh thì không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN của Công ty.
=> Theo hướng dẫn trên, công ty con tiếp nhận vốn góp của công ty mẹ thì không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN của công ty.
Hi vọng thông tin trên hữu ích đối với bạn!