GÓP VỐN CỦA CTY NƯỚC NGOÀI

Chủ đề   RSS   
  • #426625 08/06/2016

    GÓP VỐN CỦA CTY NƯỚC NGOÀI

    Chào Luật sư TVPL,

    Chúng tôi có nội dung quan trọng cần tư vấn, rất mong được sự hỗ trợ của Luật sư.

    Chúng tôi cùng với đối tác Nhật bản thành lập Cty tại VN có chức năng dạy tiếng Nhật và tư vấn du học Nhật Bản.

    Trước hết chúng tôi thành lập Cty cổ phần 100% vốn VN (tạm gọi là cty XYZ), sau đó theo thoả thuận sẽ bán lại 45% vốn cho đối tác NB (phía NB là pháp nhân), với nội dung trên tôi cần những tư vấn cụ thể như sau:

    1. Theo quy định của WTO và các hiệp định thương, mại đầu tư đã được ký kết giữa VN và NB thì đối với việc công ty VN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và tư vấn du học đi NB có bán cổ phần cho Cty NB được hay không ? (xin nhấn mạnh là Cty NB là đối tác quan trọng của dự án này liên quan đến đảm bảo các vấn đề của du học sinh khi sang học tập tại NB). Nếu có vướng mắc trong việc bán cổ phần thì xin tư vấn hướng tháo gỡ thế nào là thuận lợi nhất.

    2. Với thoả cổ đông Cty XYZ sẽ bán lại 45% vốn cho Cty NB. Theo pháp luật VN thì đối với lĩnh vực này có giới hạn về số vốn của Cty nước ngoài hay không?

    3. Cổ đông NB muốn mua cổ phần để trả thành cổ đông sáng lập thì có được không? (các cổ đông sáng lập của Cty XYZ đều hiểu về dự án nên sẵn sàng bán hoặc xác nhận không đủ điều kiện trở thành cổ đông sáng lập để nhường quyền trở thành cổ đông sáng lập cho đối tác NB).

    4. Các bước và thời gian để phía VN thực hiện bán cổ phần và phía NB hoàn tất thủ tục mua cổ phần cho đến khi cổ phần của phía NB được thể hiện trên đăng ký kinh doanh?

    Trân trọng cảm ơn.

     

     
    3992 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #448817   06/03/2017

    clevietkimlaw4
    clevietkimlaw4
    Top 500
    Female
    Mầm

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:20/12/2016
    Tổng số bài viết (153)
    Số điểm: 876
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 28 lần


    Chào bạn,

    Vấn đề bạn thắc mắc cũng đã lâu nhưng chưa có thành viên nào trả lời; không biết bạn đã được tự tìm được câu trả lời hoặc đã nhận được sự tư vấn từ nơi khác hay chưa, nhưng mong là câu trả lời của tôi, dù muộn, nhưng vẫn giúp ích phần nào cho bạn và các thành viên khác.

    Tôi có thể tóm lược bạn đang gặp phải các vướng mắc sau:

    Công ty bạn là Công ty 100% vốn Việt Nam có chức năng dạy tiếng Nhật và tư vấn du học Nhật Bản.

    Công ty bạn dự định bán lại 45% cổ phần cho Công ty đối tác là công ty Nhật Bản

    Bạn đang thắc mắc về một số điều kiện đói với thương nhân nước ngoài kinh doanh trong ngành nghề này và thủ tục trình tự để chuyển nhượng cổ phần cho doanh nghiệp Nhật bản kể trên.

    Đối với các vướng mắc này, chúng tôi tư vấn như sau:

    1.       Điều kiện kinh doanh ngành nghề tư vấn du học và giảng dạy ngoại ngữ đối với thương nhân nước ngoài

    + Về quyền chuyển nhượng cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động kinh doanh giáo dục: Theo các quy định về đầu tư nước ngoài hiên hành thì kinh doanh dịch vụ giáo dục KHÔNG nằm trong danh mục cấm đầu tư nên theo quy định tại Điều 24, Luật Đầu tư 2014:

    Điều 24. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế

    1. Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế.

    2. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 của Luật này.”

     Thì công ty Việt Nam được quyền bán cổ phần cho công ty Nhật Bản.

    + Về hạn chế tỷ lệ vốn góp: Tính tới thời điểm hiện tại, theo Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO và các cam kết về dịch vụ trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (EPA) cũng như  quy định trong Hiệp định xúc tiến và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Nhật Bản (BIT Việt – Nhật) thì ngành nghề kinh doanh bạn nêu trên KHÔNG BỊ HẠN CHẾ về tỷ lệ vốn góp của các thương nhân nước ngoài. Hơn nữa theo quy định tại khoản 3, Điều 22, Luật Đầu tư 2014:

    3. Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:

    a) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

    b) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;

    c) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của p háp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

    Do đó, công ty Nhật Bản hoàn toàn có thể sở hữu 45% cổ phần của công ty bạn. Việc chuyển nhượng cổ phần sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp Việt Nam.  Bạn cũng nên lưu ý quy định về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.

    + Về việc  thay đổi cổ đông sáng lập:  Theo các quy định trong biểu cam kết và pháp luật Việt Nam liên quan thì cũng KHÔNG CÓ quy định nào cấm nhà đầu tư nươc ngoài trở thành cổ đông sáng lập của công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học và giảng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam. Như vậy, Công ty Nhật Bản có thể trở thành cổ đông sáng lập của Công ty tư vấn du học và giảng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam.

    2.Thủ tục chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

    Thủ tục để chuyển nhượng cổ phần cho công ty Nhật Bản trong trường hợp này được thực hiện như sau:

    Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế được hướng dẫn bởi Khoản 4 Công văn 4366/BKHĐT-PC năm 2015:

    4. Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế:

    a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định của pháp luật về chứng khoán thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật đầu tư.

    b) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp nêu tại điểm a Mục này thực hiện theo quy định tại các Điều 24, 25 và 26 Luật đầu tư.”

    Về thủ tục mua cổ phần

    Vì ngành nghề công ty bạn kinh doanh không có điều kiện riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài  và tỷ lệ sở hữu cổ phần là 45% nên không cần phải thục hiện thủ tục đăng ký mua cổ phần. Và theo quy định của Luật Đầu tư thì:

    Điều 26. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp

     Nhà đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Trường hợp có nhu cầu đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.”

    Điều 46 Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư quy định:

    1. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. 
    2. Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế

    Thủ tục đăng ký thay đổi thành viên công ty cổ phần

    Theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2014; Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2105 về đăng ký doanh nghiệp và Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 về đăng ký doanh nghiệp thì:

    *Điều kiện thay đổi thành viên góp vốn công ty cổ phần

    Cổ phần có thể chuyển nhượng một cách tự do, riêng đối với cổ đông sáng lập thì pháp luật có quy định chặt chẽ hơn trong đó:

    + Cổ đông sáng lập có quyền tự dọ chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

    + Cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông

    * Hồ sơ thay đổi thành viên góp vốn công ty cổ phần

    1. Thông báo thay đổi thành viên góp vốn do người đại diện theo pháp luật ký (theo mẫu qui định).
    2. Quyết định về việc thay đổi cổ đông sáng lập của Đại hội đồng cổ đông công ty.
    3. Biên bản họp về việc thay đổi cổ đông sáng lập công ty của Đại hội đồng cổ đông công ty.
    4. Hợp đồng chuyển nhượng và các giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng có xác nhận của đại diện pháp luật của công ty.
    5. Danh sách thành viên góp vốn hoặc sổ đăng ký cổ đông
    5. Giấy tờ công chứng như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký thuế.
    6. Giấy tờ chứng thực của thành viên mới tham gia góp vốn vào công ty:

    – Thành viên mới là tổ chức: 

    + Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập; Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc giấy tờ tương đương khác; Bản sao hợp lệ Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác.
    + Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người đại diện theo ủy quyền như trên và quyết định ủy quyền tương ứng.
    (Nếu thành viên mới là tổ chức nước ngoài thì các loại giấy tờ chứng thực nêu trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự, có bản dịch sang tiếng Việt được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.)

    * Trình tự thay đổi thành viên công ty cổ phần

    Doanh nghiệp muốn thay đổi thành viên góp vốn công ty cổ phần cần tiến hành các bước sau:

    Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên công ty cổ phần

    Bước 2: Nộp hồ sơ: Công ty nộp hồ sơ thay đổi cổ đông sáng lập tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.

    Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ: Khi nhận được hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ
    + Nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận và trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
    + Nếu hồ sơ không hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do, các yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

    Bước 4: Nhận kết quả: Căn cứ vào ngày hẹn trong giấy biên nhận, công ty đến Phòng đăng ký doanh nghiệp để nhận kết quả giải quyết.
    Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới.

    Nơi nộp hồ sơ: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.

    Thời hạn giải quyết: 3 ngày làm việc kể từ ngày nận hồ sơ.

    Trên đây là nội dung tư vấn sơ bộ của chúng tôi, mong là bạn sớm giải quyết được các vướng mắc của mình.

    Trường hợp cần giải thích chi tiết nội dung trên hoặc tư vấn thêm các vấn các vấn đề khác có liên quan, bạn có thể liên hệ lại với chúng tôi theo thông tin dưới đây.

    Trân trọng

    Chuyên viên tư vấn Hoàng Thị Quỳnh Trang

    Cập nhật bởi clevietkimlaw4 ngày 06/03/2017 12:08:42 SA

    BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP - ĐẦU TƯ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM

    M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com

    Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.

     
    Báo quản trị |