Sự hung hãn của Trung quốc ngày 26/5/2011 đã dấy lên tiếng nói của cộng đồng quốc tế nhất tề lên án hành động gây hấn của Trung quốc đối với Việt Nam, một thành viên của Asean. Trung quốc dở trò thử liều thuốc của Việt Nam và ngấm ngầm xem phản ứng của thế giới ra sao để tự mình cho điểm rồi tiếp tục áp dụng cho những thủ đoạn khác.
Quốc tế phản đối tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
(Toquoc)-Báo chí khu vực và quốc tế mấy ngày qua đã lên tiếng phản đối vụ việc các tàu hải giám Trung Quốc ngày 26/5 vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; coi đây là hành động leo thang gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông; cảnh báo đe doạ quan hệ ASEAN - Trung Quốc.
Ngày 26/5, ba tàu hải giám Trung Quốc đã đe doạ tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 hải lý đã vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động bình thường của Việt Nam trên vùng biển này. Sau phản ứng của Bộ Ngoại giao và dư luận Việt Nam, các hãng tin trong đó có BBC, Reuters, AP, AFP và nhiều tờ báo như The Nation (Thái Lan), Jakarta Post (Indonesia), Financial Times (Anh)… cũng đã lên tiếng trước hành động vi phạm luật pháp quốc tế này từ phía Trung Quốc.
Theo BBC, sự việc xảy ra ngày 26/5 với tàu thăm dò của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam "đã gây chấn động trong dư luận ở trong nước". PetroVietnam nói đây là “hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam”.
Tàu hải giám 84 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam
“Bộ Ngoại giao Việt Nam một hôm sau đó đã gửi công hàm phản đối tới Sứ quán Trung Quốc. Nội dung công hàm yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam”, hãng tin BBC viết.
“Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nói Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm công ước Luật biển 1982 của LHQ, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông”.
Reuters ngày 27/5 dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học Viện Quốc phòng Australia, nhận định rằng vụ mới xảy ra “thể hiện sự leo thang của Trung Quốc trong hành động gây hấn với Việt Nam”.
Cũng theo nhận định của hãng tin Reuters, vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam “càng khiến cho các nước láng giềng Đông Nam Á thêm lo ngại về thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”.
Hãng tin Pháp AFP ngày 28/5 bình luận: “Hành động táo bạo ngày một gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã và đang làm dấy lên các căng thẳng với các quốc gia khác trong khu vực… Việt Nam đã loan báo nhiều trường hợp tàu đánh cá và các thiết bị đánh bắt bị phía Trung Quốc bắt giữ ở các khu vực tranh chấp từ năm 2009”.
AFP viết : “Trung Quốc thường xuyên bắt giữ các ngư dân Việt Nam đánh cá ở vùng biển đang tranh chấp, nhưng đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây, tàu tuần tra của Trung Quốc đụng độ với một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ở một địa điểm nằm sâu trong lãnh hải Việt Nam. Vào tháng 3 vừa qua, đã từng xảy ra đụng độ tương tự giữa tàu thăm dò của Philippines với tàu tuần tra Trung Quốc trên Biển Đông”.
Cả AFP và Reuters đều chú ý đến chi tiết vụ mới nhất xảy ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc và Philippines cam kết là sẽ “hành xử có trách nhiệm” tại những vùng biển tranh chấp và tìm một giải pháp hoà bình cho các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Mới đây, trong chuyến thăm Manila của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Tổng thống Philipines Benigno Aquino đã cảnh báo những vụ xâm nhập và đụng độ ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông “có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực”.
Hãng tin AP ngày 29/5 dẫn lời giới phân tích cho rằng việc ba tàu tuần tra của Trung Quốc gây hư hại thiết bị của tàu Bình Minh ngay trong lãnh hải của Việt Nam ngày 26/5 “có thể sẽ chỉ là khúc dạo đầu cho những hành động quyết liệt hơn của Bắc Kinh… nguy cơ xung đột vũ trang ở khu vực này ngày càng lớn”.
Trong khi đó, tờ The Nation của Thái Lan ngày 30/5 nhận định: “Tranh chấp ở Biển Đông đe dọa các quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc”.
Báo Financial Times cũng dẫn lại lời chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông Carl Thayer, cho rằng, sự việc nói trên thể hiện sự gây hấn ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc trên Biển Đông.
Cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt
Financial Times cũng đưa tin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nay đang làm việc với nhiều tập đoàn quốc tế lớn, trong đó có ExxonMobil và Chevrong, để khai thác và phát triển nguồn dầu khí tại Biển Đông. Báo này dẫn lời một vị quan chức của Tập đoàn nói rằng vụ việc mới nhất này “sẽ ảnh hưởng đến thái độ của các nhà đầu tư nước ngoài”.
Bloomberg cũng dẫn lại nguồn tin Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu về việc 3 tàu Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò của con tàu thuộc sở hữu của Tập đoàn này. Ông Hậu cho biết, tàu Trung Quốc cho rằng tàu Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, song thực tế tàu Việt Nam đang làm việc trong vùng lãnh thổ của mình.
Tại cuộc họp báo chiều 29/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga một lần nữa nhấn mạnh: “Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc”.
Bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh cần phải làm rõ 3 vấn đề. Trước hết, khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo công ước Luật biển của LHQ 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, l��i càng không thể nói là khu vực “do Trung Quốc quản lý”. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp.
Thứ hai, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thứ ba, Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
PV (Tổng hợp
Cập nhật bởi ntdieu ngày 01/06/2011 06:58:49 CH
Sửa lỗi font. Cập nhật bởi Votanhung ngày 01/06/2011 05:57:03 CH