Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Liên - Công ty Luật Tiền Phong trả lời bạn như sau:
1. Quyền của người lao động
Điều 47 Bộ luật lao động quy định: Khi chấm dứt hợp đồng lao động, một trong các quyền quan trọng của người lao động là được người sử dụng lao động hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cũng như những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
2. Biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp
Nếu người sử dụng lao động không thực hiện đúng quy định, bạn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp của bạn là tranh chấp liên quan đến bảo hiểm xã hội nên theo điều 201 Luật Lao động thì không bắt buộc phải hòa giải cấp cơ sở.
Hồ sơ khởi kiện gồm:
1. Giấy tờ chứng minh về nhân thân người khởi kiện (Bản sao chứng thực CMND và hộ khẩu của bạn);
2. Bản sao hợp đồng lao động; các tài liệu về việc chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Tài liệu bằng chứng chứng minh vi phạm của người sử dụng lao động.
4. Đơn khởi kiện.
Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc người đại diện theo pháp luật là người có yếu tố nước ngoài thì tòa án nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm giải quyết.
3. Việc giữ tiền lương của người lao động
Người sử dụng lao động không được quyền giữ lương và các khoản khác đã thu của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động với lý do biểu tình - cho dù trường hợp này mẹ bạn không tham gia biểu tình.
Mẹ bạn cũng có quyền khởi kiện mà không cần thủ tục hòa giải bắt buộc (vì rơi vào trường hợp tranh chấp do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng). Hồ sơ và thẩm quyền giải quyết như chúng tôi đã tư vấn tại mục 2 nêu trên.
Trên đây là ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng giúp bạn làm sáng tỏ được vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trường hợp bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể điện đến tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 1900 6289 để được hỗ trợ!
Thân ái.