Giao dịch từ xa, bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023

Chủ đề   RSS   
  • #610053 29/03/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (298)
    Số điểm: 2169
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 53 lần


    Giao dịch từ xa, bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023

    Giao dịch từ xa, bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và trách nhiệm khi thực hiện các hình thức bán hàng này tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ 01/07/2024.

    1. Giao dịch từ xa và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa

    Theo định nghĩa tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì giao dịch từ xa là giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.

    Khi thực hiện giao dịch từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng các thông tin sau theo quy định tại khoản 1 Điều 37:

    - Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc của đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có);

    - Số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc mã số doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác đối với tổ chức kinh tế; mã số thuế cá nhân đối với cá nhân;

    - Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

    - Chi phí giao hàng (nếu có);

    - Phương thức, thời hạn thanh toán; thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; điều kiện và phương thức đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

    - Thời gian có hiệu lực của đề nghị thực hiện giao dịch;

    - Thông tin về các khoản phí, chi phí, thuế giá trị gia tăng, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh và các điều kiện giao dịch chung áp dụng trong quá trình cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng;

    - Chi tiết về công dụng, cách thức sử dụng, bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

    - Quyền của người tiêu dùng quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023;

    - Quy trình xử lý việc đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết;

    - Quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

    Trường hợp giao dịch được thực hiện thông qua điện thoại hoặc hình thức liên lạc, đàm thoại khác, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thông tin ngay từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại. Trường hợp giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện quy định của Luật này, pháp luật về thương mại điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, quy định mới tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã quy định hình thức kinh doanh trong giao dịch từ xa và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bằng hình thức này. Việc kinh doanh trong giao dịch từ xa có thể được thực hiện qua điện thoại hoặc hình thức liên lạc, đàm thoại khác hoặc thực hiện trên không gian mạng.

    2. Bán hàng tận cửa và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng tận cửa

    Bán hàng tận cửa theo định nghĩa tại khoản 7 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 là một trong những hình thức bán hàng trực tiếp (tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động tiếp cận người tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để bán, cung cấp cho người tiêu dùng). Hình thức bán hàng tận cửa là hoạt động bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng.

    Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện hoạt động bán hàng tận cửa thông qua các hình thức sau đây:

    - Tự mình thực hiện;

    - Người lao động của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

    - Đại diện được thuê hoặc được ủy quyền.

    Cá nhân nêu trên khi bán hàng tận cửa phải thực hiện các trách nhiệm sau theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023:

    - Giới thiệu tên, số điện thoại, địa chỉ, trụ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm về hoạt động bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cung cấp tài liệu chứng minh mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh;

    - Không được tiếp tục đề nghị bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi người tiêu dùng đã từ chối;

    - Giải thích cho người tiêu dùng đầy đủ, chính xác, rõ ràng về nội dung hợp đồng, thông tin mà người tiêu dùng quan tâm liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

    Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng của cá nhân bán hàng tận cửa theo quy định trên.

    Như vậy, ngoài hình thức giao dịch từ xa thì bán hàng tận cửa cũng là một hình thức bán hàng tuy nhiên hình thức này thực hiện thông qua phương thức trực tiếp, bán hàng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng, có thể tham khảo thêm quy định về hợp đồng bán hàng tận cửa tại Điều 44 Luật này.

    3. Bán hàng đa cấp và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp

    Bán hàng đa cấp theo định nghĩa tại khoản 7 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng là một trong những hình thức bán hàng trực tiếp. Bán hàng đa cấp được hiểu là hoạt động bán hàng hóa thông qua mạng lưới cá nhân tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó cá nhân tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của cá nhân khác trong mạng lưới.

    Tổ chức bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện các công việc sau theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật này gồm:

    - Niêm yết công khai các tài liệu hoạt động tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức bán hàng đa cấp;

    - Thực hiện đúng quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng;

    - Xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng;

    - Nhận lại hàng hóa và trả lại tiền theo yêu cầu của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp hoặc người tiêu dùng nếu yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng hóa và hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn và còn thời hạn sử dụng;

    - Chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp trong trường hợp hoạt động đó được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc tại các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo của tổ chức bán hàng đa cấp.

    Đối với cá nhân tham gia bán hàng đa cấp, phải có trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật này, gồm:

    - Xuất trình thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng;

    - Tuân thủ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và quy tắc hoạt động;

    - Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

    Có thể thấy rằng, bán hàng đa cấp cũng là một trong những hình thức bán hàng trực tiếp, tuy nhiên về cách thức hoạt động sẽ khác hình thức bán hàng tận cửa. Bên cạnh hai hình thức bán hàng này, đối với hoạt động bán hàng trực tiếp còn có một hình thức khác nữa đó là bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, có thể tham khảo về hình thức bán hàng này quy định tại Điều 47 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

     
    39 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận