Có trường hợp như sau: công ty đang nợ thuế nhưng muốn giải thể mà không có đủ khả năng nộp thuế vậy có cách nào để nợ thuế mà doanh nghiệp vẫn được giải thể hay không? Trước đây có xin 1 giấy phép mở trung tâm ngoại ngữ, nhưng đã ngừng hoạt động 8 năm (vì không rành thủ tục giải thể doanh nghiệp và cũng không nhận được bất kỳ thông tin gì về mã số thuế, cũng như việc nộp thuế...). Bây giờ khi ra nộp đơn giải thể thì được báo là nợ 8 năm thuế (thuế môn bài hàng năm, thuế doanh nghiệp hàng tháng, thuế thu nhập cho giáo viên => con số khá lớn), vậy trường hợp này lỗi xuất phát từ doanh nghiệp, cơ quan thuế?
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Điều 207. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp
…
2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.”
Như vậy, căn cứ quy định trên, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi thanh toán hết các khoản nợ trong đó có khoản nợ thuế. Do đó đối với trường hợp này, công ty không có khả năng thanh toán hết các khoản nợ thì không được giải thể.
Đối với vấn đề về trung tâm ngoại ngữ:
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 9 và Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:
“Điều 9. Nghĩa vụ của doanh nghiệp
…
3. Đăng ký mã số thuế, kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
…”
“Điều 156. Tạm ngừng kinh doanh
1. Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất mười lăm ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
3. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.”
Trung tâm ngoại ngữ đã ngừng hoạt động 8 năm trước. Thời điểm 8 năm trước đang áp dụng Luật doanh nghiệp 2005, theo đó khi tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp buộc phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất mười lăm ngày trước ngày tạm ngừng.
Như vậy, trường hợp không thực hiện thông báo tạm ngừng cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì mặc nhiên là doanh nghiệp vẫn còn hoạt động và phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế trong khoảng thời gian này. Đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp. Do đó trong trường hợp này lỗi thuộc về doanh nghiệp.