Giải quyết tranh chấp giữa cổ đông sáng lập trong Cty CP

Chủ đề   RSS   
  • #3624 31/07/2008

    Ngan_Nga

    Sơ sinh

    Lào Cai, Việt Nam
    Tham gia:31/07/2008
    Tổng số bài viết (1)
    Số điểm: 20
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Giải quyết tranh chấp giữa cổ đông sáng lập trong Cty CP

    Năm 2006 tôi cùng 3 người bạn thành lập 1 công ty CP và hoạt động đến nay, tôi được bầu làm CT HĐQT công ty, giám đốc là một người khác.

     

    Nhưng trong thời gian hoạt động đã 2 năm: mỗi khi tôi yêu cầu họp HĐQT và yêu cầu công bố báo cáo tài chính hàng năm thì các thành viên HĐQT đều không đến họp và các QĐ của tôi các thành viên đều không chấp hành.

     

     Xin thông tin về công ty là Công ty thành lập với vốn điều lệ 1,2tỷ đồng, trong đó mỗi thành viên đóng góp 25% vốn điều lệ. Nhưng do điều kiện chưa đóng góp đủ số vốn theo cam kết mà mỗi thành viên đóng được một phần vốn điều lệ công ty. Trong đó tôi đóng được 20% trong số 25% bằng tài sản tổng vốn tôi phải đóng, còn lại 1 thành viên đóng được 10triệu, 2 thành viên không đóng tiền mà HĐQT khi đấy thống nhất để Công ty đi vào hoạt động nếu thiếu thì vay vốn để hoạt động vì lúc đó 2 thành viên này không có khả năng đóng góp.

     

    Sau khi hoạt động Công ty có vay vốn ngân hàng và các khoản vay của các tổ chức tín dụng khác như vay vốn từ các doanh nghiệp đối tác, bạn bè nhưng lấy tư cách công ty để đi vậy chứ không phải là tư cách cá nhân một thành viên nào. Các hoạt động vay này Ban GĐ không báo cáo với HĐQT mà HĐQT chỉ biết khi đã làm thủ tục vay xong. Để công ty vẫn tiếp tục HĐ thì lúc đó HĐQT đã không truy cứu mà chỉ nhắc nhở. Hiện nay các khoản vay ngắn hàng đã được thanh toán xong, còn các khoản nợ lại các tổ chức tín dụng khác không còn nhiều, cơ bản đã trả xong.

     

    Luật sư cho hỏi các khoản vay đấy có được tính vào vốn điều lệ không? Các khoản lợi nhuận phát sinh từ các khoản vay đấy có là tài sản của công ty hay không?

     

    Chính vì những khoản tín dụng hoạt động như vậy mà Ban GĐ công ty đã không báo cáo tài chính hàng năm cho HĐQT và các cổ đông trong Công ty vì vậy chưa hạch toán được lỗ lãi. Xin được nói thêm là Công ty hoạt động trong 2 năm rất hiệu quả và các khoản lãi ròng lớn theo như các hợp đồng KT.

     

    Hiện nay các cổ đông và bản thân tôi cũng rất bức xúc, muốn giải quyết các vấn đề cho rõ ràng, dùng pháp luật mong được sự giúp đỡ, tư vấn từ các luật sư.

     

    Trong trường hợp nếu như không họp được HĐQT tôi có thể nhớ đến các cơ quan bảo vệ pháp luật giúp đỡ không? Nếu được thì cơ quan nào sẽ giúp đỡ tôi?

     

    Hai trong số thành viên HĐQT hiện nay muốn rút khỏi Công ty trước khi họ rút khỏi Công ty thì yêu cầu họp HĐQT và giải quyết minh bạch tài chính nhưng tôi đã yêu cầu họp HĐQT và ĐHCĐ nhưng không được, vậy tôi nên giải quyết như thế nào? Phần tài sản cũng như quyền lợi của cổ đông sau khi rút khỏi Công ty sẽ được giải quyết như thế nào?

     

    Trong trường hợp không thể thỏa thuận được với các thành viên thì tôi có thể nhớ đến sự giúp đỡ của luật sư và cơ quan bảo vệ pháp luật đê bao về quyền và nghĩa vụ của tôi không?

     

    Tôi có thể ủy quyền cho luật sư giải quyết quyền và nghĩa vụ cho tôi không? Nếu được thì tôi phải làm những thủ tục gì?

     

    Nếu tôi nhờ đến pháp luật thì phải làm như thế nào, trình tự và các thủ tục tôi phải làm.

     

    Rất mong được sự giúp đỡ của luật sư!

     

    Trân trọng cảm ơn!

     

    (Người hỏi: TranCa và Ngan_Nga)

     
    8930 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #3625   02/08/2008
    Được đánh dấu trả lời

    DANGTHANHLIEM
    DANGTHANHLIEM
    Top 500
    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:03/01/2007
    Tổng số bài viết (292)
    Số điểm: 1532
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 21 lần


    Tranh chấp thành viên

    Chào bạn;

    Vấn đề bạn nêu ra thật phức tạp, phức tạp là do Công ty của bạn đã vi phạm quá nhiều về Luật Doanh nghiệp và các vi phạm này lại kéo dài.  Trách nhiệm đầu tiên thuộc về bạn vì với tư cách là Chủ Tịch HĐQT và là người có số vốn góp vào công ty nhiều nhất (tuy là chưa đủ) mà không có biện pháp xử lý triệt để.

    Những sai phạm đó là:

    - Không góp đủ vốn điều lệ theo quy định, không thông báo tình hình góp vốn cho cơ quan đăng ký kinh doanh và không có hướng xử lý để kéo dài;

    - Không triệu tập được cuộc họp HĐQT mà không có hướng xử lý để kéo dài.

    Chính vì kéo dài không có hướng xử lý mới xảy ra việc Giám đốc không thực hiện đúng các quyết định của HĐQT.

    Qua đây, xin góp ý với bạn một số ý như sau:

    1. Vốn vay trong quá trình hoạt động và dưới danh nghĩa công ty không thể là vốn điều lệ được vì: Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty (khoản 6 điều 4 Luật Doanh nghiệp).   Chính vì vậy, lợi nhuận phát sinh từ các khoản vay này (nếu có) sẽ được hạch toán là lợi nhuận của công ty.

    2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và quyết định của Hội đồng quản trị. Nếu điều hành trái với quy định này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty (khoản 4 điều 116 Luật Doanh nghiệp).

    Và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác để thực hiện công việc dưới mọi hình thức trong phạm vi công việc kinh doanh của công ty đều phải giải trình bản chất, nội dung của công việc đó trước Hội đồng quản trị và chỉ được thực hiện khi được đa số thành viên còn lại của Hội đồng quản trị chấp thuận; nếu thực hiện mà không khai báo hoặc không được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị thì tất cả thu nhập có được từ hoạt động đó thuộc về công ty (khoản 4 điều 118 Luật Doanh nghiệp).

    Như vậy, những khoản vay trong hoạt động điều hành của Giám đốc nếu không khai báo hoặc không được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty và tất cả thu nhập có được từ hoạt động đó (nếu có) thuộc về công ty.

    Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông như quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại phát sinh đối với công ty (khoản 4 điều 97 Luật Doanh nghiệp) và   khi số cổ phần đăng ký góp của các cổ đông sáng lập chưa được góp đủ thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó (điểm c khoản 3, điều 84 Luật Doanh nghiệp).

    Vì vậy, bạn phải nhanh chóng triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông để xem xét quyết định các vấn đề của công ty.  Nếu bạn không triệu tập được thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông hoặc nhóm cổ đông triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông có thể đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) giám sát việc triệu tập và tiến hành họp nếu xét thấy cần thiết (điểm c khoản 2, khoản 6 điều 79 Luật Doanh nghiệp).

    Bạn lưu ý:

    - Những lần bạn triệu tập họp HĐQT, họp Đại hội đồng cổ đông phải có văn bản triệu tập, nếu không triệu tập được bạn nên có biên bản ghi nhận lại sự việc có xác nhận của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông để minh chứng;

    - Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định nêu trên thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất.

    Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định trên thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Trong trường hợp này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào số cổ đông dự họp và tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp (điều 102 Luật Doanh nghiệp)..

    3. Bạn có thể uỷ quyền cho người khác (không nhất thiết là Luật sư) dự họp HĐQT nếu được đa số thành viên Hội đồng quản trị chấp thuận;

    Và bạn cũng có thể ủy quyền cho người khác dự họp Đại hội đồng cổ đông.  Việc uỷ quyền cho người đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản theo mẫu của công ty và phải có chữ ký theo quy định sau đây:

    Trường hợp cổ đông là cá nhân là người uỷ quyền thì phải có chữ ký của cổ đông đó và người được uỷ quyền dự họp (điểm a khoản 2 điều 101 Luật Doanh nghiệp).

    Riêng vai trò Chủ tịch HĐQT bạn phải uỷ quyền bằng văn bản cho một thành viên khác thuộc HĐQT để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty (khoản 3 điều 111 Luật Doanh nghiệp).

    Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (khoản 3 điều 29 Luật Tố tụng dân sự).  Lúc đó, bạn có thể ủy quyền cho Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.

    4. Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì thành viên Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút (khoản 1 điều 80 Luật Doanh nghiệp).

    Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ (khoản 5 điều 84 Luật Doanh nghiệp).

    Vì Công ty Cổ phần của bạn mới hoạt động được hai năm nên bạn không thể rút vốn cũng như tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình ra bên ngoài mà chỉ chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

    5. Góp ý riêng:

    - Bạn nên giải quyết dứt điểm việc các thành viên còn lại không góp vốn hoặc góp không đủ vốn điều lệ đúng hạn theo luật định vì càng kéo dài chính bạn là người chịu thiệt nhiều nhất;

    - Hành vi ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp (ví dụ: cản trở việc họp HĐTV, cản trở việc triệu tập cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông …) thực hiện các quyền theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty là hành vi vi phạm pháp luật (khoản 7 điều 11 Luật Doanh nghiệp).  Nhưng bạn phải có căn cứ.

    Một số ý trao đổi cùng bạn;

    Chúc bạn thành công.

    Cập nhật bởi LawSoft05 ngày 18/09/2010 02:58:54 PM
     
    Báo quản trị |  

Tư vấn của Luật sư có tính chất tham khảo, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư theo thông tin sau:

Chủ đề đã khép lại!