Chào bạn, dựa trên những dữ liệu bạn đưa ra như trên tôi xin tư vấn như sau:
Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 05/01/2007, có hiệu lực ngày 12/02/2007 của Bộ Công An ban hành Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, Khoản 1, Điều 10 và Điều 17 của Quy trình này quy định như sau:
Điều 10. Tạm giữ phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan
1. Tạm giữ phương tiện giao thông có liên quan:
a) Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ;
b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện có trách nhiệm bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền;
c) Trường hợp tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì phương tiện giao thông bị tạm giữ được xử lý như sau:
- Đối với vụ tai nạn sau khi khám nghiệm phương tiện xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi thì phương tiện phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện;
- Các trường hợp khác việc tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chú ý: Khi tạm giữ và trả phương tiện phải có quyết định và biên bản theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Xử lý hành chính vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông
1. Mời các bên liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ đến trụ sở đơn vị để thông báo kết quả điều tra, kết luận nguyên nhân của vụ tai nạn và xác định lỗi của những người có liên quan trong vụ tai nạn, hình thức giải quyết. Cho các bên liên quan phát biểu ý kiến của họ. Mọi ý kiến đều được ghi vào biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông và có chữ ký của các bên liên quan đến tai nạn giao thông.
2. Lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định hoặc đề xuất lãnh đạo có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Sau khi cá nhân bị xử phạt thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cán bộ thụ lý lập biên bản trả lại phương tiện giao thông (nếu phương tiện còn đang bị tạm giữ), đồ vật và các giấy tờ đã tạm giữ cho người bị xử phạt; thu biên lai tiền phạt ghim vào góc bên trái quyết định xử phạt, lưu trong hồ sơ vụ tai nạn giao thông.
4. Giải quyết việc khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại giữa các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông khi các bên có yêu cầu đòi bồi thường:
- Trường hợp các bên liên quan tự thương lượng thỏa thuận khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thì phải có bản cam kết thống nhất thỏa thuận về mức và hình thức bồi thường thiệt hại giữa các bên; ký và ghi rõ họ, tên những người liên quan. Thỏa thuận bồi thường thiệt hại là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét ra quyết định xử lý hành chính;
- Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông không tự thỏa thuận thương lượng được với nhau thì Cảnh sát giao thông có trách nhiệm hướng dẫn các bên liên hệ với Tòa án để giải quyết theo thủ tục dân sự.
Căn cứ vào những quy định trên, việc tạm giữ phương tiện của bạn để phục vụ cho việc khám nghiệm, điều tra là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Thời gian giữ xe phụ thuộc vào quá trình điều tra, xác minh, khám nghiệm của cơ quan công an. Vụ việc của bạn có thể sẽ đi theo 02 hướng tùy thuộc vào kết quả khám nghiệm, điều tra của bên Công an. Nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì khi đó hiếc xe là vật chứng của vụ án hình sự nên việc xử lý sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu vụ việc không có dấu hiệu của tội phạm thì có 02 trường hợp: hoặc là trả ngay cho chủ phương tiện trong trường hợp không có lỗi (theo điểm c, khoản 1, Điều 10) hoặc là xử lý theo quy định của pháp lệnh vi phạm hành chính.
Bạn không nói rõ là bên CAGT đã có kết luận điều tra về vụ tai nạn của bạn hạn chưa. Tuy nhiên theo như bạn nói, khi lên gặp thì CAGT nói bên kia không lên giải quyết nên phải chờ. Tôi suy đoán bạn rơi vào trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính khi tham gia giao thông và CAGT họ áp dụng Điều 17 của quy trình này và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để xử lý (khả năng trong tai nạn bạn cũng có một phần lỗi, nếu bạn không có lỗi thì CAGT đã trả lại phương tiện ngay cho bạn).
Về thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thì: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện.
Trường hợp thời hạn giải quyết quá lâu (cụ thể là từ 9/2013 đến nay) mà vẫn chưa có kết luận của CAGT bạn có thể làm văn bản (đơn) gửi đến cơ quan Công an nơi thụ lý giải quyết để đề nghị cho bạn nhận lại phương tiện đi lại hoặc thúc đẩy tiến độ giải quyết vụ việc. Bạn có thể đọc những căn cứ tôi cung cấp trong bài viết này để có cơ sở làm việc.
Thân,
Có những lúc anh mơ được gặp lại em lúc ban đầu...