Trên thực tế thì nhiều người cứ nghĩ rằng việc trả lương tháng 13 là điều bắt buộc đối với công ty, thậm chí có nơi trả lương tháng 14, 15. Nhưng trên thực tế, theo quy định thì nếu không có thỏa thuận trong hợp đồng hay Thỏa ước lao động tập thể thì Doanh nghiệp sẽ không bị ràng buộc phải trả thưởng, lương thêm.
Khi tuyển dụng lao động thì các công ty đều áp dụng những chiêu thưởng cao, có thêm thưởng tháng 13,14,15... nhằm tạo sự thu hút nguồn nhân lực, nhưng đây chỉ đều là những lời nói suống và thực tế không hề được đưa vào hợp đồng lao động. Dẫn đến có nhiều tranh chấp xảy ra xung quanh vấn đề này, tiêu biểu là việc đình công tại Công ty TNHH Alta Mode Việt Nam vào ngày 7 và 8 tháng 01.
Theo trình bày của công nhân, ngày 4/1 công nhân đề nghị Công ty TNHH Alta Mode Việt Nam (sản xuất hàng thun xuất khẩu, ĐC: Số 63C, đường Lò Lu, P.Trường Thạnh, Q.9, TPHCM) thông báo điều chỉnh tăng lương cơ bản, tuy nhiên, Công ty hẹn tới ngày 11/1 mới thông báo, không đồng ý nên ngày 7/1, CN tiếp tục ngừng việc.
Chị H - công nhân Công ty - giải thích: “Thứ 6 này Công ty sẽ xuất đơn hàng cuối cùng, sau đó có khả năng công nhân không có việc, lúc đó Công ty không thông báo lương, thưởng tết thì sao, CN ngừng việc cũng không còn tác dụng.
Khoản 1000 công nhân vây công ty vào ngày 7/1
Chiều 7/1, Công ty thông báo sẽ tăng lương cơ bản thêm 350.000 đồng/tháng, tuy nhiên vẫn chưa công bố lương tháng 13. Sáng 8/1, khi CN lên xưởng làm việc thì được nhân viên phòng nhân sự và bảo vệ Công ty đưa cho mỗi CN một tờ biên bản với nội dung là tiền công ngày 7/1 sẽ không được tính.
Nếu ngày 7/1 không được tính công thì CN sẽ thiệt thòi nên CN tiếp tục ngừng việc, yêu cầu không được trừ lương ngày đình công và ghi rõ cách tính lương tháng 13”.
Chị Nh - công nhân Công ty - lý giải: “Lương hợp đồng công nhân mới vào là 2.693.000 đồng/tháng, cộng các khoản phụ cấp như chuyên cần 200.000 đồng, phụ cấp nhà trọ 150.000 đồng, tiền “không đình công” là 100.000 đồng... mỗi tháng, lương trung bình của CN hơn 4 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu công nhân ký vào biên bản là không làm việc ngày 7/1 thì các khoản này sẽ mất hết, hơn nữa, mỗi lần ký biên bản nghĩa là phạm lỗi, CN sẽ bị phạt 700.000 đồng. Tháng này chỉ còn có lương cơ bản thì biết sống làm sao”.
Nhiều CN Công ty cho biết thêm, tiền phạt biên bản chính là nỗi ám ảnh của tất cả CN. Anh V - CN Công ty - nói: “Em làm ở đây đã mấy năm nhưng Công ty chỉ phát cho 2 cái áo đồng phục, mặc đã rách, khi xin cấp áo thì Công ty nói nộp 85.000 đồng mới cấp. Không có áo đồng phục nhưng khi CN mặc áo ngắn tay, đi dép cao gót... thì sẽ bị lập biên bản, công nhân ký hay không cũng đều bị phạt từ 600.000 đến 1 triệu đồng.
Bị cấm vào xưởng, bị phạt đã đành, ngày công đó cũng mất mà đã mất ngày công là mất tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp”. Anh V bức xúc cho rằng, việc phạt này được các nhân viên Công ty thực hiện rất ngẫu hứng vì cũng cái áo đó, CN mặc những ngày khác không bị phạt nhưng những đợt nào Công ty tăng ca, lương cao một chút là nguy cơ bị phạt biên bản cũng cao hơn!
Làm việc với cơ quan chức năng Q.9 sáng 8.1, đại diện Công ty cho biết, Cty đã thông báo tăng lương cơ bản thêm 350.000 đồng/tháng cho công nhân từ ngày 1/1, nếu ngày 8/1, CN làm việc bình thường thì Công ty sẽ thanh toán lương tháng 13, công nhân không làm việc sẽ không được hưởng lương tháng 13.
Tiền công ngày 7/1, Công ty sẽ tính cho công nhân. Lương tháng 13 được tính dựa vào mức lương căn bản của tháng 12/2013, những CN có ít nhất 15 ngày làm việc trong 1 tháng sẽ được tính bằng 1 tháng làm việc. Tiền thưởng này không bao gồm tiền tăng ca, các khoản phụ cấp. Ngày 24/1, Công ty sẽ chi trả lương tháng 13.
Theo NLĐ