Để có thể kết luận S phạm tội gì? Là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay Công nhiên chiếm đoạt tài sản hay Cướp giật tài sản, tôi đi đến phân tích hành vi cấu thành tội phạm của các tội phạm này như sau:
Thứ nhất, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, về tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản: người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh không có khả năng ngăn cản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Do vậy, người phạm tội không cần và không có ý định có bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó với chủ tài sản, người phạm tội không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực hay uy hiếp tinh thần nhanh chóng hay nhanh chóng chiếm đoạt và lẩn tránh.
Thứ ba, về tội Cướp giật tài sản: lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản (sơ hở này có thể sẵn có hoặc do người phạm tội chủ động tạo ra) nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn tránh. Người phạm tội muốn chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản không thể kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của mình và không có ý định dùng bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó với chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản.
Đối chiếu với tình huống này thì rõ ràng S ban đầu có ý định cướp giật ngay lúc muốn thử xe nhưng vì H vẫn ngồi trên xe nên S đã dùng thủ đoạn nói thông tin sai lệch trong lúc bảo anh H xuống xe để S dắt xe lên vỉa hè, nhưng không: với thủ đoạn này S đã tăng ga và chạy xe đi luôn. Đây là dấu hiệu hành vi phạm tội cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Như vậy , tôi kết luận trong trường hợp này S sẽ phạm tội LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.