Cặp giá trị này thường dùng để chỉ giá trị của chứng khoán, tức là giá trị của các loại tài sản tài chính. Giá trị thị trường (market value) của một chứng khoán tức là giá trị của chứng khoán đó khi nó được giao dịch mua bán trên thị trường. Giá trị lý thuyết (intrinsic value) của một chứng khoán là giá trị mà chứng khoán đó nên có dựa trên những yếu tố có liên quan khi định giá chứng khoán đó. Nói khác đi, giá trị lý thuyết của một chứng khoán tức là giá trị kinh tế của nó và trong điều kiện thị trường hiệu quả thì giá cả thị trường của chứng khoán sẽ phản ánh gần đúng giá trị lý thuyết của nó.
Tuy nhiên lại có giả thuyết thị trường hiệu quả là không chính xác. Lý thuyết này được đề cập lần đầu từ những năm 1900 bởi nhà toán học người Pháp và đặc biệt trở nên nổi bật vào thập niên 60 sau khi nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Samuelson hoàn thiện cơ sở lý luận về nó. Lý thuyết cho rằng giá cả thị trường của cổ phiếu luôn phản ánh đầy đủ những lợi ích hiện tại và tương lai mà những người nắm giữ cổ phiếu sẽ nhận được. Những người phản đối lý thuyết này cho rằng, nếu giá cả thực sự phản ánh đúng giá trị nội tại, thì tại sao lại xuất hiện những phiên giá sụt giảm mạnh, thậm chí cả thị trường mất tới hơn 20% giá trị vốn hóa (như đã từng xảy ra trong năm 1987). Liệu giá trị nội tại của doanh nghiệp có thể thay đổi nhanh chóng trong một thời gian ngắn như vậy hay không? Gần đây, việc thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam diễn ra những biến động mạnh trong phiên cũng là những minh chứng cụ thể chống lại lý thuyết thị trường hiệu quả.