Về trường hợp của bạn, mình xin chia sẻ như sau:
Khái niệm về nhãn hàng hóa
Theo điều 32 Luật thương mại 2005:
“Nhãn hàng hoá là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn lên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá…”
Nội dung thể hiện trên nhãn hàng hóa
Nhãn hàng hóa được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá và bắt buộc phải thể hiện các nội dung dưới đây:
- Tên hàng hóa;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
- Xuất xứ hàng hóa;
- Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định 43/2017/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Theo đó, Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa như sau:
“…
2. Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó.
a) Cơ sở sản xuất hàng hóa là thành viên trong một tổ chức như công ty, tổng công ty, tập đoàn, hiệp hội và các tổ chức khác thì có quyền ghi tên hoặc tên và địa chỉ và các nội dung khác của tổ chức đó trên nhãn khi được các tổ chức này cho phép.
b) Hàng hóa có cùng thương hiệu được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, được ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đó trên nhãn hàng hóa nếu chất lượng của hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đó công bố hoặc đăng ký lưu hành và phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của hàng hóa.”
Đồng thời theo Thông tư 05/2019/TT-BKHCN quy định “Hàng hóa được san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đóng gói, đóng chai và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai.”
Như vậy, trường hợp công ty A thuê công ty B gia công sản xuất hàng hóa, sau đó công ty A thực hiện gắn nhãn mác thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của công ty A, đây là tổ chức chịu trách nhiệm đối với sản phẩm.
Đối với Công ty B được thuê gia công thực hiện toàn bộ các công đoạn từ sản xuất đến đóng gói sản phẩm thì B được xác định là cơ sở sản xuất hàng hóa theo quy định Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Hay chỉ thực hiện công đoạn đóng gói theo Thông tư 05/2019/TT-BKHCN, đều bắt buộc phải ghi tên, địa chỉ của B lên nhãn hàng hóa.