Gen Alpha là thế hệ gì? Gen Alpha hiện nay bao nhiêu tuổi?

Chủ đề   RSS   
  • #609487 16/03/2024

    Gen Alpha là thế hệ gì? Gen Alpha hiện nay bao nhiêu tuổi?

    Gen Y, Gen Z hay Gen Alpha là những thuật ngữ gọi một thế hệ được sinh ra trong khoảng thời gian xác định. Vậy Gen Alpha là thế hệ gì? Gen Alpha hiện nay bao nhiêu tuổi? – Ngọc Bích (Nghệ An)

    1. Gen Alpha là thế hệ gì? Gen Alpha hiện nay bao nhiêu tuổi?

    Gen Alpha là thế hệ tiếp nối của gen Z, là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thế kỷ 21. Gen Alpha thường là những đứa trẻ được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2024.

    Dựa vào khoảng thời gian sinh ra, ta có thể xác định được độ tuổi hiện nay của Gen Alpha (tính đến năm 2024) cao nhất sẽ là 14 tuổi và thấp nhất chỉ mới vài tháng tuổi.

    Nguồn gốc của thế hệ Gen Alpha bắt nguồn từ việc sử dụng thứ tự chữ cái đầu trong bảng chữ cái Hy Lạp. Theo đó, thế hệ Alpha là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thế kỷ 21 và thiên niên kỷ 3. Hầu hết các thành viên thế hệ Alpha đều là con cái của thế hệ gen Y – Millennials.

    Tên gọi "Gen Alpha" được đặt ra bởi nhà nghiên cứu xã hội Mark McCrindle, người sáng lập công ty tư vấn McCrindle Research ở Úc. Ông McCrindle cho rằng, chữ cái "Alpha" mang hàm ý chuyển giao và tiếp nối một sự khởi đầu mới mẻ, cột mốc đánh dấu thế hệ đầu tiên của thế kỉ XXI.

    Trong khi Gen Z thường gắn liền với internet và mạng xã hội, thì Gen Alpha trở thành thế hệ đầu tiên lớn lên hoàn toàn trong thế giới của thời đại kỹ thuật số.

    Khi đó thế hệ này sẽ có khả năng sử dụng công nghệ cao một cách tự nhiên và linh hoạt, như một phần của cuộc sống. Đồng thời cũng được đánh giá là có tư duy toàn cầu, cởi mở và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.

    2. Gen Alpha ở Việt Nam được hưởng những quyền gì?

    Như đã đề cập ở trên, Gen Alpha là những đứa trẻ từ dưới 14 tuổi. Theo Luật Trẻ em 2016, trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi.

    Do đó, Gen Alpha ở Việt Nam được hưởng những quyền sau đây theo Luật Trẻ em 2016:

    - Quyền sống;

    - Quyền được khai sinh và có quốc tịch;

    - Quyền được chăm sóc sức khỏe;

    - Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng;

    - Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu;

    - Quyền vui chơi, giải trí;

    - Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc;

    - Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;

    - Quyền về tài sản;

    - Quyền bí mật đời sống riêng tư;

    - Quyền được sống chung với cha, mẹ;

    - Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ;

    - Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi;

    - Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục;

    - Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động;

    - Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc;

    - Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt;

    - Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy;

    - Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính;

    - Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang;

    - Quyền được bảo đảm an sinh xã hội;

    - Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội;

    - Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp;

    - Quyền của trẻ em khuyết tật;

    - Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.

    Trong việc quản lý nhà nước về trẻ em, pháp luật Việt Nam đã đưa ra một số nội dung thực hiện như sau:

    - Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em.

    - Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em.

    - Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về biện pháp, quy trình, tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.

    - Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em.

    - Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em thực hiện quyền của trẻ em.

    - Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về trẻ em; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em; giải quyết, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em, người giám hộ và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

    - Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em và việc thực hiện pháp luật về trẻ em cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    - Hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em.

     
    166 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận