Từ vụ 5 người nhà của bệnh nhân số 35 trốn về nhà sau khi được đưa đi cách ly đã tạo nên làn sóng giận dữ trong dư luận. Vậy trường hợp này có thể bị xử lý như thế nào?
Hành vi trốn cách ly được xem là hành vi nguy hiểm, nhất là trong trường hợp tình hình số ca nhiễm bệnh đang tăng lên nhanh chóng, bên cạnh đó hành vi trốn cách lý tại thời điểm này có thể được xem là hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng.
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, người nào có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc cưỡng chế áp dụng biện pháp cách ly trở lại.
Hiện nay, pháp luật chưa quy định các hình thức tăng nặng đối với hành vi trốn tránh thực hiện việc cách ly y tế, cụ thể là hành vi đưa đi cách ly rồi trốn về như trường hợp đã xảy ra.
Tuy nhiên, nếu hành vi trốn tránh cách ly đó là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, cụ thể ngoài việc phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, còn có thể bị phạt từ từ 01 năm đến 12 năm tùy mức độ vi phạm (theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015).
Để đảm bảo sức khỏe của chính bản thân mình cũng như cộng đồng, mọi người ngoài việc vệ sinh cá nhân thật tốt, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài thì hãy tuân thủ chặt chẽ quy định về cách ly và tự cách lý (nếu có xảy ra) để dịch bệnh mau chóng được khắc phục nhé!
Cập nhật bởi ngkhiem ngày 23/03/2020 11:57:51 SA