| Hình minh họa | Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Giá do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ. Tuy nhiên, các ý kiến góp ý tại hội thảo cho thấy, dự thảo Luật Giá còn khá nhiều vấn đề chưa đủ sức thuyết phục. “Lối cũ ta về” Dự thảo luật quy định tổ chức thẩm định giá bao gồm các doanh nghiệp thẩm định giá và tổ chức thẩm định giá của Nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa làm rõ các vấn đề có liên quan như tổ chức thẩm định giá của Nhà nước là loại hình gì? Là một bộ phận thuộc cơ quan quản lý nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm các khoản chi hay một đơn vị sự nghiệp có thu hay một doanh nghiệp nhà nước? Việc quy định có tổ chức thẩm định giá của Nhà nước là một điểm mới so với Pháp lệnh Giá nhưng theo nhiều ý kiến, trước đây các trung tâm thẩm định giá - những đơn vị sự nghiệp có thu - đều thuộc Bộ Tài chính, sau đó đã chuyển thành doanh nghiệp theo Nghị định 101/2005/NĐ-CP. Nay dự thảo Luật Giá lại “phục hồi” liệu có phải là đi ngược lại chủ trương tăng cường xã hội hóa dịch vụ công? Từ chủ trương thành lập tổ chức thẩm định giá của Nhà nước, dự thảo luật quy định có hai loại thẩm định viên về giá là thẩm định viên về giá hành nghề và thẩm định viên về giá của Nhà nước. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, phân biệt như vậy là không có căn cứ khoa học và khiên cưỡng. Bởi lẽ, người đã được cấp thẻ thẩm định viên về giá là thẩm định viên về giá. Thẩm định viên về giá làm việc ở đâu thì áp dụng theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực đó. Chẳng hạn, thẩm định viên về giá làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, giá cả thì theo Luật Công chức, Luật Viên chức; làm việc ở doanh nghiệp thẩm định giá thì theo Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động. Chuyển giao quá nhiều Dự thảo luật chỉ có sáu chương, 64 điều nhưng cụm từ “Chính phủ quy định cụ thể”, “ theo quy định của Chính phủ”... đã xuất hiện tới 14 lần. Có thể thấy những vấn đề được “chuyển” cho Chính phủ là quá nhiều, trong đó có những vấn đề không nên và cũng không buộc phải chuyển. Chẳng hạn, điều 26 dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể về cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát giá độc quyền. Song, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định vấn đề này ngay trong luật để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Điều 39 dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể về loại hình doanh nghiệp thẩm định giá cũng không hợp lý. Bởi đó là vấn đề rất quan trọng cần được quy định ngay trong luật. Sao không có quyền tăng giá? Khoản 6 điều 8 dự thảo luật quy định một trong những quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là “Hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ và thực hiện niêm yết công khai, rõ ràng tại cửa hàng, nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời gian hạ giá đối với các trường hợp đặc thù theo quy định của pháp luật”. Tại sao các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lại không có quyền tăng giá khi chi phí sản xuất, kinh doanh tăng lên ngoài mong muốn của họ? Phải chăng, việc tăng giá chỉ là quyền của Nhà nước? Niêm yết giá để làm gì? Tiết a, khoản 6 điều 9 quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, công khai, không gây nhầm lẫn cho khách hàng”. Theo quy định trên, người bán hàng chỉ có trách nhiệm niêm yết giá nhưng không bắt buộc phải bán đúng giá đã niêm yết. Vậy thì niêm yết giá để làm gì? Trong các siêu thị, dù không có quy định bắt buộc, người bán hàng vẫn phải niêm yết giá. Đó là điều cần thiết để người mua có đủ thông tin và người bán sẽ bán đúng giá niêm yết. Song, tại các cửa hàng nhỏ, lẻ, các hiệu thuốc, nếu theo quy định trên, bảng giá niêm yết sẽ chỉ là hình thức. Hành vi bị cấm và vi phạm pháp luật - rắc rối và vô lý Những hành vi bị cấm và vi phạm pháp luật về giá được quy định tại điều 10: Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; điều 60: Các hành vi vi phạm pháp luật về giá; và điều 61: Các hành vi vi phạm pháp luật về thẩm định giá. Quy định như vậy là rất rắc rối, gây khó khăn cho người thực hiện. Hơn nữa, khoản 6 điều 10 quy định một hành vi bị cấm là “Áp dụng phân biệt về giá (bao gồm phân biệt cả về giá bán buôn hoặc giá bán lẻ) khi cung cấp cùng một loại hàng hóa hoặc dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Điều cấm này là vô lý vì mức giá bán của cùng một hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau sẽ khác nhau do số lượng hàng mua khác nhau, thời hạn thanh toán khác nhau, cự ly vận chuyển khác nhau, sự tín nhiệm trong quan hệ thương mại giữa bên mua và bên bán khác nhau... Nếu coi hành vi trên là bị cấm thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp vi phạm. Có cần tổ chức thanh tra chuyên ngành về giá? Điều 56 dự thảo luật quy định về tổ chức thanh tra chuyên ngành về giá. Những vấn đề cần làm rõ là: Có tổ chức thanh tra chuyên ngành này không? Cục Quản lý giá hiện nay thuộc Bộ Tài chính, vậy thanh tra của Bộ Tài chính có thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra giá không? Nếu đặt thêm tổ chức thanh tra chuyên ngành về giá liệu bộ máy quản lý nhà nước sẽ tăng thêm bao nhiêu? Ngân sách nhà nước phải chi thêm bao nhiêu tiền trong một năm? Lợi ích của xã hội như thế nào? Giải thích từ ngữ thiếu chính xác Điều 4 dự thảo luật đã giải thích khá nhiều từ ngữ. Song, đáng tiếc là không ít từ ngữ được giải thích chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác. Chẳng hạn, theo khoản 1, điều 4 dự thảo luật: “Giá thị trường là số tiền tính bằng đồng Việt Nam hình thành trên cơ sở giá trị thị trường của một hàng hóa, dịch vụ tính cho một đơn vị sản phẩm tại một thời điểm, địa điểm nhất định theo thỏa thuận trong giao dịch khách quan trên thị trường giữa các bên không có quan hệ liên kết (các bên độc lập)”. Như vậy, để hiểu được giải thích này, cần phải giải thích khái niệm “Giá trị thị trường” nhưng khái niệm này lại không được giải thích. Khoản 4, điều 4 dự thảo luật định nghĩa “Giá bán buôn là mức giá của hàng hóa, dịch vụ tính bằng đồng Việt Nam cho một đơn vị sản phẩm được hình thành và thực hiện do cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc do sự thỏa thuận giữa người bán và người mua với khối lượng lớn để đưa vào sản xuất hoặc đem đi bán lại (bán lẻ)”. Định nghĩa này vừa thừa vừa không hoàn toàn đúng. Thừa là vì đoạn “được hình thành và thực hiện do cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc do sự thỏa thuận giữa người bán và người mua” không liên quan đến nội dung cần giải thích. Không hoàn toàn đúng vì không rõ bao nhiêu thì được gọi là “khối lượng lớn” và trong thực tế, không nhất thiết phải có khối lượng lớn mới là bán buôn... Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam Quản không đúng cách Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nội dung của dự thảo Luật Giá chưa phân biệt được nhiều khái niệm: quản lý giá khác với quản lý nhà nước về giá và cũng khác với điều hành giá, khác với điều tiết về giá. Cũng không có khái niệm thẩm định giá, thực chất thẩm định giá là định giá lại. Song cần định nghĩa lại khái niệm định giá trong dự thảo luật. Còn ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng không nên biến thẩm định giá thành định giá, bởi hai biện pháp này có tính chất và mức độ quản lý khác nhau. Trong kinh tế thị trường, hoạt động định giá của Nhà nước ngày càng thu hẹp, còn hoạt động thẩm định giá ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thể hiện tính linh hoạt, phù hợp với thực tế. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng dự thảo Luật Giá chưa giải quyết được các vấn đề đang xảy ra trong lĩnh vực giá. Nhiệm vụ của Nhà nước là làm chính sách, chứ không phải đưa tất cả các biện pháp vào luật. Song, trong nội dung dự thảo luật chủ yếu là các biện pháp quản lý giá trực tiếp, can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp trong kinh doanh như: phải niêm yết giá, phải theo căn cứ định giá, quy chế tính giá của Nhà nước, phải kê khai giá, thậm chí quản lý cả yếu tố đầu vào trong kinh doanh, trình cơ quan quản lý về phương án giá hàng hóa, dịch vụ,... Để quản lý giá, luật chưa chú trọng các biện pháp chuyên môn mà chủ yếu là thủ tục hành chính, bắt buộc các tổ chức cá nhân phải thực hiện như: đăng ký giá bán, kể cả giá mua (?), kê khai giá bán (hoặc giá mua)... Mặt khác, dự thảo luật cũng chưa đề cập đến các biện pháp giải quyết những bất cập mới nảy sinh trong lĩnh vực giá như: cơ chế kiểm soát giá đấu thầu, cơ chế định giá bất động sản, giá hiệp thương và kê khai giá nội bộ nhằm phòng tránh tình trạng bỏ giá đấu thầu thấp, sau đó gây phát sinh và đội giá thực tế quyết toán cao hơn giá đấu thầu nhiều lần hoặc tình trạng lạm dụng hiệp thương để giữ giá độc quyền cao hoặc các thủ thuật chuyển giá nội bộ nhằm trốn thuế nhập khẩu và thuế thu nhập... Minh Khuê | Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online |