Chủ đầu tư dự án nhà ở đang thế chấp thì có được hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư khác không? Những đối tượng nào là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở là gì?
Căn cứ khoản 12 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 có giải thích về dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tập hợp các đề xuất liên quan đến việc sử dụng vốn để thực hiện các hoạt động xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở trên một địa điểm nhất định trong thời hạn và chi phí xác định.
(2) Dự án nhà ở đang thế chấp thì chủ đầu tư có được hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư khác không?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 114 Luật Nhà ở 2023 có nêu rõ, một trong những hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở là huy động thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 183 Luật Nhà ở 2023 có quy định trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc nhà ở và quyền sử dụng đất này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, ngoại trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 88 Luật Nhà ở 2023.
Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở. Chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Trường hợp huy động vốn góp, chủ đầu tư phải cung cấp cho bên góp vốn văn bản giải chấp của tổ chức tín dụng khi ký hợp đồng góp vốn.
Có thể thấy, hiện nay, trường hợp dự án nhà ở đang thế chấp thì chủ đầu tư vẫn có thể hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư khác. Tuy nhiên trước khi ký hợp đồng thì phải thực hiện giải chấp phần hoặc toàn bộ dự án hoặc nhà ở và quyền sử dụng đất đang được thế chấp ngoại trừ trường hợp đặc biệt theo quy định như đã nêu trên.
(3) Những đối tượng nào là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở?
Căn cứ Điều 35 Luật Nhà ở 2023 có quy định về chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:
- Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có chức năng kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) và đáp ứng các điều kiện theo quy định.
- Tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn quy định tại khoản 5 Điều 112, khoản 1 Điều 113 Luật Nhà ở 2023 và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này.
Theo đó, hiện nay, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở gồm những đối tượng sau:
- Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có chức năng kinh doanh bất động sản và đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật.
- Tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn sau và đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật:
+ Nguồn tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn.
+ Vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công
+ Vốn từ công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước
+ Vốn huy động từ Quỹ phát triển đất, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác theo quy định của pháp luật.