Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì tiền được coi là một loại tài sản. Vì vậy, chủ sở hữu có quyền định đoạt đối với đồng tiền mà mình sở hữu.
Tuy nhiên, do tiền là một loại tài sản đặc biệt, là công cụ trung gian thanh toán do Nhà nước phát hành, nên để bảo vệ đồng tiền, Nhà nước đã đưa ra một số quy định nhằm hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với đồng tiền Việt Nam.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTG về việc Bảo vệ tiền Việt Nam quy định như sau:
"Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm
...
2. Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào."
Theo quy định trên thì việc hủy hoại đồng tiền Việt Nam với bất kỳ hình thức nào như cắt, xé, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền... cũng là những hành vi bị nghiêm cấm. Khi thực hiện các hành vi này mà bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì người thực hiện hành vi đó cũng sẽ bị xử phạt. Cụ thể:
Người có hành vi hủy hoại đồng tiền Việt Nam sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP
"Điều 31. Vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi trên còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều này.