Việc tham gia BHXH giúp cho người lao động được hưởng nhiều quyền lợi, trong đó chế độ thai sản. Tuy nhiên, liệu có thai rồi mới đóng BHXH có được hưởng chế độ thai sản hay không?
>>> Xem thêm bài viết: Chế độ dành riêng cho lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
(1) Có thai rồi mới đóng BHXH được hưởng chế độ thai sản không?
Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng nhưng cũng đầy thử thách, đặc biệt đối với những người phụ nữ đang tham gia lực lượng lao động. Để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi, trẻ nhỏ và tạo điều kiện cho lao động nữ yên tâm làm việc, pháp luật Việt Nam đã quy định nhiều quyền lợi, chế độ thiết thực dành cho đối tượng này.
Tuy nhiên, để được hưởng các chế độ thai sản đó, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc và phải đáp ứng được các điều kiện về thời gian đóng BHXH trước thời điểm sinh con.
Liên quan đến vấn đề này, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước thời điểm sinh con.
Trường hợp lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện có thẩm quyền thì phải có thời gian đóng BHXH tối thiểu 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước thời điểm sinh con.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định như sau:
- Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Ví dụ 1: Chị A sinh con ngày 18/01/2024 và tháng 01/2024 có đóng BHXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2023 đến tháng 01/2024
Ví dụ 2: Chị B sinh con ngày 12/01/2024 thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2023
Như vậy, trong khoảng thời gian được tính là 12 tháng trước khi sinh con mà chị A và chị B đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện có thẩm quyền thì chị A và chị B được hưởng chế độ thai sản.
Tổng kết lại, nếu có thai rồi mới đóng BHXH, người lao động phải đảm bảo thời gian đóng BHXH là đủ 6 tháng trở lên, hoặc từ đủ 3 tháng trở lên khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai trong thời gian được tính là 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản.
Từ 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bắt đầu có hiệu lực, tuy nhiên điều kiện về thời gian tham gia BHXH để được được hưởng chế độ thai sản vẫn được giữ nguyên như các quy định hiện hành nêu trên.
(2) Lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản như thế nào theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024?
Căn cứ theo các quy định tại Mục 2 Chương V (từ Điều 50 đến Điều 63) Luật Bảo hiểm xã hội 2024, lao động nữ sinh con được hưởng các chính sách sau đây khi đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản:
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai
Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong trường hợp trên phụ thuộc vào tuần tuổi của thai nhi, cụ thể:
- 0 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi
- 20 ngày nếu thai từ đủ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi
- 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi
- 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên
Bên cạnh đó, trường hợp mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên, đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con
Lao động nữ sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo thời gian được quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ Luật Lao động 2019, tức là:
- Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
- Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Trợ cấp một lần khi sinh con
Theo đó, lao động nữ sinh con đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản sẽ được trợ cấp một lần khi sinh con, mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con.
Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản
Theo đó, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, lao động nữ chưa phục hồi sức khoẻ thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sẽ do NSDLĐ và Ban Chấp hành cơ sở quyết định, tuy nhiên thời gian nghỉ tối đa được quy định như sau:
- 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên
- 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật
- 05 ngày đối với trường hợp khác.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi “Có thai rồi mới đóng BHXH được hưởng chế độ thai sản không?” và một số chính sách, trợ cấp mới cho lao động nữ khi nghỉ hưởng chế độ thai sản từ ngày 01/7/2025.
>>> Xem thêm bài viết: Chế độ dành riêng cho lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi