Căn cứ Điều 12 Thông tư 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định:
"Điều 12. Kiểm kê, phân loại, định giá hàng hóa tồn đọng
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, đề nghị xử lý hàng hóa tồn đọng của Chi cục Hải quan (đối với địa bàn hoạt động hải quan thành lập Hội đồng thường trực) hoặc kể từ ngày thành lập Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng (đối với địa bàn hoạt động hải quan thành lập Hội đồng xử lý theo vụ việc), Hội đồng phải hoàn thành các công việc sau đây:
a) Mở niêm phong hàng hóa hoặc niêm phong container (nếu có);
b) Kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng và lập Bảng kê chi tiết hàng hóa tồn đọng theo Mẫu số 07-THHĐ ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Xác định giá trị hàng hóa tồn đọng.
2. Căn cứ tình hình thực tế, Chủ tịch Hội đồng quyết định:
...
b) Thuê tổ chức có chức năng giám định, thẩm định giá để giám định, xác định giá trị hàng hóa để Hội đồng xem xét, tham khảo làm căn cứ xác định giá trị hàng hóa.
..."
=> Theo quy định trên thì việc thẩm định giá sẽ do Chủ tịch Hội đồng xử lý hàng hóa tồn động do cơ quan Hải quan thành lập quyết định và việc thẩm định này (nếu thấy cần thiết) phải thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, đề nghị xử lý hàng hóa tồn động ạ.
Hiện thì em không tìm thấy văn bản quy định cụ thể đơn vị nào sẽ chịu về chi phí tiêu hủy tài sản tồn động. Tại Thông tư 203/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi Thông tư 57/2018/TT-BTC) cũng không đề cập cụ thể đơn vị quản lý kho CFS, đơn vị vận chuyển sẽ chịu chi phí tiêu hủy.
Theo Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC thì việc xử lý tài sản là hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan thuộc một trong các trường hợp xác lập quyền sở hữu toàn dân, cụ thể:
5. Đối với tài sản được xử lý theo hình thức tiêu hủy:
a) Đối với tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng tại Điểm a Khoản 4 Điều này nhưng không còn giá trị sử dụng, đơn vị chủ trì quản lý tài sản thành lập Hội đồng xử lý để tiêu hủy. Hội đồng xử lý do người ra quyết định tịch thu hoặc người được uỷ quyền làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm: đại diện cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan tài chính tại địa bàn xảy ra hành vi vi phạm (trong trường hợp được cơ quan tài chính cấp trên uỷ quyền hoặc trường hợp người ra quyết định tịch thu thuộc cơ quan không tổ chức theo cấp hành chính) và đại diện các cơ quan chuyên môn liên quan.
b) Đối với hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan, việc tiêu hủy được thực hiện đối với hàng hóa không còn giá trị sử dụng (mục nát, đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng) hoặc thuộc diện buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật Việt Nam. Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường không xác định được chủ phương tiện vận tải, người Điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền, đơn vị chủ trì quản lý tài sản phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện tiêu hủy.
Đơn vị chủ trì quản lý tài sản tổ chức thực hiện việc tiêu hủy hoặc thuê các tổ chức có chức năng để thực hiện việc tiêu hủy; trường hợp việc tiêu hủy do đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện thì có thể giao cho doanh nghiệp quản lý hàng hóa tồn đọng huy động người lao động của doanh nghiệp để thực hiện."
Theo Khoản 7 Điều 5 Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định:
"7. Đối với hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan, Cục Hải quan là đơn vị chủ trì quản lý tài sản."
Mà tại Điều 13 Thông tư 57/2018/TT-BTC có quy định như sau:
"Điều 13. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
1. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được nộp vào tài Khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công sau đây làm chủ tài Khoản:
a) Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công thuộc Bộ Tài chính đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt phương án xử lý tài sản;
b) Sở Tài chính đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân do người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh phê duyệt phương án xử lý và tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trung ương phê duyệt phương án xử lý tài sản, trừ các tài sản quy định tại Điểm a Khoản này;
c) Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân do người có thẩm quyền thuộc cấp huyện, cấp xã phê duyệt phương án xử lý tài sản.
2. Số tiền nộp vào tài Khoản tạm giữ quy định tại Khoản 1 Điều này sau khi trừ đi các Khoản chi quy định tại Điều 29 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, số tiền còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước."
Tại Điểm g Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định:
"Điều 29. Các Khoản chi liên quan đến xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
...
2. Các Khoản chi phí liên quan đến quản lý, xử lý vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu; tài sản của vụ việc vi phạm hành chính chuyển sang xử lý hình sự bị tịch thu; các tài sản khác được xác lập quyền sở hữu toàn dân (không bao gồm các Khoản chi liên quan đến thăm dò, khai quật, trục vớt, xử lý tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm) bao gồm:
...
g) Chi phí thực hiện tiêu hủy tài sản.
..."
=> Quy định trên có quy định cụ thể về nguồn tài chính được sử dụng để chi cho khoản chi phí tiêu hủy hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan. Do đó theo quan điểm của Ban hỗ trợ thì bên vận chuyển, bên quản lý kho sẽ không chịu khoản chi phí tiêu hủy này mà sẽ do bên Hải quan chịu.