Chào bạn Carolynnguyen. Thông tin hỏi của bạn chưa được rõ lắm nhưng tôi có thể hiểu được ý của bạn. Trường hợp bạn hỏi ở trên là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên. Bạn nên chú ý ở chỗ: Tất cả các vụ án dân sự nói chung, án hôn nhân và gia đình nói riêng, trước khi Toà có quyết định đưa vụ án ra xét xử Toà án phải tiến hành hoà giải. Hoà giải là thủ tục bắt buộc theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Nếu toà không triệu tập đương sự đến để hoà giải thì vụ việc dù giải quyết tốt cũng sẽ bị huỷ án do vi phạm thủ tục tố tụng. Nếu Toà án triệu tập đương sự đên hoà giải mà 1 trong các đương sự không đến, dẫn đến không hoà giải được thì Toà sẽ lập biên bản không hoà giải được. Triệu tập hợp lệ được hiểu là gửi giấy triệu tập cho đương sự đúng quy định của pháp luật như: gửi đúng người, đúng địa điểm (có thể chứng minh được là người đó đã nhận được giấy triệu tập), đúng thời gian,... sau khi có biên bản hoà giải không thành, Toà án mới có cơ sở để ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử rồi Toà án tiếp tục có Giấy triệu tập các đương sự đến để mở phiên toà. Tại phiên toà, Toà án vẫn tiếp tục hỏi xem các bên đã thoả thuận hay hoà giải được chưa, nếu các bên vẫn giữ nguyên yêu cầu thì toà án mới làm các thủ tục tiếp theo như xét hỏi, nghị án, ra bản án.... Trong trường hợp Toà án triệu tập hợp lệ mà 1 trong các đương sự vẫn vắng mặt lần thứ nhất thì Toà tiếp tục triệu tập lần thứ 2, khi triệu tập lần thứ 2 mà vẫn không đến và cũng không có lý do chính đáng thì Toà sẽ đưa vụ án ra xử vắng mặt dựa trên các tài liệu, chứng cứ đã có, đương sự nào không đến thì đương sự đó chịu thiệt. Chỉ có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của đương sự có yêu cầu, tránh tình trạng kéo dài hoặc cố ý không đến để xét xử.
Chúc bạn thành công!
Thân ái.